Kinh doanh & pháp luật, Thông tin
Siết hoạt động quảng cáo trên Youtube, Facebook tại Việt Nam
Siết hoạt động quảng cáo trên Youtube, Facebook tại Việt Nam
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 70, siết lại hoạt động cung cấp dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới của các đơn vị như Youtube, Google, Facebook tại Việt Nam.
Nghị định 70 vừa ban hành nhằm sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 181 năm 2013, quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quảng cáo.
Trước đây, Nghị định 181 chế tài xử lý còn thiếu, chưa đủ sức răn đe và chưa khả thi trong thực tế. Với Nghị định 70, trách nhiệm quản lý quảng cáo xuyên biên giới sẽ tập trung về Bộ Thông tin và Truyền thông, thay vì bị chồng chéo với Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch như trước. Ngoài ra, nghị định này được xem là cơ sở pháp lý quan trọng để quy định cụ thể trách nhiệm của các bên tham gia cung cấp dịch vụ, đặc biệt về vấn đề kiểm duyệt nội dung sản phẩm quảng cáo trước khi phát hành và thực hiện nghĩa vụ thuế.
Trong nghị định mới này, hoạt động cung cấp dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới tại Việt Nam được định nghĩa là việc tổ chức, cá nhân nước ngoài dùng trang thông tin điện tử kinh doanh dịch vụ quảng cáo từ hệ thống thiết bị cung cấp dịch vụ đặt ở nước ngoài, cho người dùng tại Việt Nam, có phát sinh doanh thu tại Việt Nam.
Cụ thể, Chính phủ yêu cầu các tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới tại Việt Nam phải ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin vi phạm pháp luật theo yêu cầu của Bộ Thông tin và Truyền thông, các cơ quan chức năng có thẩm quyền. Đồng thời, họ cũng phải cung cấp thông tin về tổ chức, cá nhân liên quan tới hoạt động quảng cáo xuyên biên giới có dấu hiệu vi phạm pháp luật cho các cơ quan chức năng.
Người phát hành quảng cáo, người quảng cáo khi tham gia giao kết hợp đồng với bên cung cấp dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới có quyền yêu cầu không đặt sản phẩm quảng cáo vào nội dung vi phạm theo Luật An ninh mạng và Luật Sở hữu trí tuệ. Đồng thời, không hợp tác phát hành sản phẩm quảng cáo với trang thông tin điện tử đã được thông báo vi phạm pháp luật.
Các đơn vị sau khi được Bộ Thông tin & Truyền thông xác định có quảng cáo vi phạm phải xử lý. Nếu không xử lý và không có lý do chính đáng, Bộ sẽ thực thi các biện pháp ngăn chặn các quảng cáo này.
Còn trong trường hợp phát hiện quảng cáo xuyên biên giới vi phạm pháp luật ảnh hưởng đến an ninh quốc gia Việt Nam, cơ quan chức năng có thẩm quyền của Việt Nam sẽ thực hiện ngay các biện pháp ngăn chặn.
Các tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới còn phải thông báo đến Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) 15 ngày trước khi bắt đầu kinh doanh. Trong các nội dung yêu cầu có thông tin về địa điểm đặt hệ thống máy chủ chính cung cấp dịch vụ và hệ thống máy chủ đặt tại Việt Nam (nếu có), đầu mối liên hệ…
Hồi đầu tháng trước, ông Lê Quang Tự Do, Cục phó Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử cho biết nghị định sửa đổi này để siết quảng cáo trên các nền tảng xuyên biên giới như Youtube, Facebook, đem lại lợi thế mới cho các cơ quan báo chí truyền thông.
- Đề xuất siết hoạt động livestream, kiếm tiền trên Youtube, Facebook
- Sẽ sửa những quy định lạc hậu về quảng cáo trên báo chí
Anh Tú
Nguon: https://vnexpress.net/siet-hoat-dong-quang-cao-tren-youtube-facebook-tai-viet-nam-4328413.html |