Giá cả thị trường, Thị trường và giá cả, Thông tin
Thị trường ngày 21/08: Dầu, đồng, quặng sắt… rớt giá mạnh, vàng giao ngay vẫn tăng
Thị trường ngày 21/08: Dầu, đồng, quặng sắt… rớt giá mạnh, vàng giao ngay vẫn tăng
Minh Quân |
(Tổ Quốc) – Số đơn xin trợ cấp thất nghiệp của Mỹ trong tuần trước tăng trên 1 triệu và biên bản cuộc họp mới nhất của Fed cho thấy có thể cần thêm các biện pháp kích thích, điều này khiến vàng giao ngay đảo chiều tăng, trong khi các thị trường khác suy yếu, dầu giảm khoảng 1%, đồng, quặng sắt đồng loạt giảm.
Dầu giảm 1%
Giá dầu giảm 1% trong phiên đêm qua sau khi Reuters báo cáo OPEC cần giải quyết dư cung hơn 2 triệu thùng mỗi ngày và số lượng đơn xin trợ cấp thất nghiệp của Mỹ bất ngờ tăng, dấu hiệu sự phục hồi kinh tế chậm lại.
Chốt phiên 20/8, dầu thô Brent kỳ hạn tháng 10 giảm 47 US cent hay 1% xuống 44,9 USD/thùng, trong khi dầu thô Tây Texas WTI kỳ hạn tháng 9 giảm 35 US cent hay 0,8% xuống 42,58 USD/thùng.
Tổ chức OPEC cho biết tốc độ phục hồi của thị trường dầu dường như chậm hơn so với dự đoán bởi nguy cơ làn sóng đại dịch thứ 2 kéo dài ngày càng tăng.
Dầu bị áp lực giảm mới sau khi Reuters báo cáo một số thành viên của OPEC sẽ cần cắt giảm sản lượng thêm 2,31 triệu thùng/ngày để bù cho dư cung gần đây.
Giá dầu đã giao dịch trong một phạm vi lớn kể từ giữa tháng 6, dầu Brent từ 40 tới 46 USD/thùng, dầu WTI từ 37 tới 43 USD/thùng.
Tuy nhiên, xuất khẩu dầu thô từ Saudi Arabia, nhà xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới, tiếp tục sụt giảm trong tháng 6, xuống mức thấp nhất trong lịch sử.
Vàng trái chiều
Giá vàng giao ngay phục hồi trong phiên qua sau khi đơn xin trợ cấp thất nghiệp của Mỹ vượt 1 triệu một lần nữa và biên bản cuộc họp của Fed nhắc lại những lo ngại về phục hồi kinh tế.
Vàng giao ngay tăng 0,6% lên 1.940,14 USD/ounce. Vàng Mỹ kỳ hạn tháng 12 chốt phiên giảm 1,2% xuống 1.946,5 USD/ounce.
Biên bản cuộc họp mới nhất của ngân hàng trung ương Mỹ cho thấy các nhà hoạch định chính sách lo ngại nền kinh tế này đối mặt với tình trạng rất không chắc chắn và có thể cần thêm hỗ trợ tiền tệ.
Chỉ số USD giảm từ mức cao nhất trong gần một tuần, kiến kim loại này rẻ hơn cho người mua bằng những đồng tiền khác.
Các ngân hàng trung ương đã tung ra các gói kích thích khổng lồ và cắt giảm lãi xuất xuống gần bằng 0 để chống lại thiệt hại kinh tế từ đại dịch Covid-19, điều này đã khiến vàng tăng 28% trong năm nay.
Đồng giảm do chốt lời và nghi ngờ về nhu cầu
Giá đồng giảm do chốt lời và do những nghi ngờ về liệu đợt tăng giá gần đây có phải do các yếu tố cung cầu hay không.
Giá đồng giao sau 3 tháng trên sàn giao dịch kim loại London (LME) giảm 1,2% xuống 6.606 USD/tấn.
Giá kim loại này đã chạm mốc 6.707 USD trong phiên trước, mức cao nhất kể từ tháng 6/2018 và tăng hơn 50% kể từ khi hoạt động kinh tế đình trệ trong tháng 3 bởi việc phong tỏa do Covid-19.
Lo ngại về nguồn cung trên thị trường LME được gây ra bởi tồn kho đồng trong kho LME ở mức thấp nhất trong 13 năm tại 104.425 tấn. Đó là lý do giá đồng giao ngay được giao dịch với mức cộng so với hợp đồng giao sau 3 tháng kể từ đầu tháng 7.
Một số nhà hoạch định chính sách của Fed cho rằng chính sách tiền tệ có thể phải được nới lỏng hơn nữa để đảm bảo nền kinh tế Mỹ vượt qua khủng hoảng do virus corona.
Sự mạnh lên của USD cũng gây áp lực cho các kim loại cơ bản.
Quặng sắt thoái lui
Giá quặng sắt giảm do những dấu hiệu nguồn cung tới Trung Quốc cải thiện ổn định và do giá giao ngay tăng vọt lên mức cao nhất trong hơn 6 năm.
Quặng sắt giao tháng 1/2021 trên sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên đóng cửa giảm 1,4% xuống 848 CNY (122,51 USD)/tấn, kết thúc 5 ngày tăng liên tiếp.
Quặng sắt kỳ hạn tháng 9 tại Singapore giảm 0,2% xuống 124,05 USD sau khi tăng trong đầu phiên giao dịch.
Các thương nhân ngày càng thận trọng với nguy cơ nguồn cung đang tăng gây áp lực cho tâm lý.
Giá quặng sắt nhập bằng đường biển tại Trung Quốc hướng tới 130 USD/tấn trong tuần này, bởi nhu cầu mạnh lên mức có thể bắt đầu gây thiệt hại cho lợi nhuận sản xuất thép tại quốc gia sản xuất và tiêu dùng kim loại lớn nhất thế giới này.
Các nhà máy thép Trung Quốc tiếp tục tăng cường sản xuất, bởi nhu cầu trong nước đặc biệt đối với thép thanh trong xây dựng vẫn mạnh khi chính phủ tăng cường chi tiêu cho cơ sở hạ tầng.
Thép thanh tại Thượng Hải giảm 1,5%, thép cuộn cán nóng giảm 0,2%. Thép không gỉ đóng cửa phiên tăng 0,1%.
Đường giảm
Đường thô kỳ hạn tháng 10 đóng cửa giảm 0,23 US cent hay 1,7% xuống 13,01 US cent/lb.
Các đại lý cho biết đồng real của Brazil suy yếu, giảm xuống mức thấp nhất 3 tháng so với USD là một yếu tố giảm giá đường.
Nhà phân tích tại ngân hàng Commonwealth của Australia cho biết vấn đề là giá đường thực tế ở mức cao nhất kể từ năm 2016, một giai đoạn giá đường rất cao và có thể các nhà máy ở Brazil thúc đẩy sản xuất thêm đường. Các nhà máy tại Brazil có thể chuyển sang sản xuất đường hay nhiên liệu sinh học ethanol phụ thuộc vào lợi nhuận liên quan.
Sản lượng đường của Brazil dự kiến tăng 32% lên 39,33 triệu tấn, theo cơ quan Conab.
Đường trắng kỳ hạn tháng 10 giảm 3,2 USD hay 0,8% xuống 376,5 USD/tấn.
Cà phê trái chiều, giao dịch tại Việt Nam trầm lắng
Cà phê arabica kỳ hạn tháng 12 đóng cửa giảm 0,4 US cent hay 0,3% xuống 1,1895 USD/lb.
Các nhà dự báo tại Brazil cho biết không có nguy cơ sương giá tại khu vực chính trồng cà phê khi một khối không khí lớn ở Nam cực di chuyển qua Brazil.
Cà phê robusta kỳ hạn tháng 11 giảm 1 USD hay 0,1% xuống 1.385 USD/tấn.
Tại Việt Nam giao dịch cà phê trầm lắng trong tuần này do nguồn cung thấp. Nông dân tại Tây Nguyên đã bán cà phê nhân xô ở mức 33.300 – 33.500 đồng (1,44 USD -1,45 USD)/kg, so với mức 33.000 – 33.500 đồng/kg.
Một thương nhân ở Đắk Lắk cho biết tồn kho thấp đã ảnh hưởng tới giao dịch. Gần như không có giao dịch nào được thực hiện trong những tuần qua. Mặt khác, mưa ổn định cung cấp đủ nước cho vụ tới, vụ thu hoạch dự kiến bắt đầu trong cuối tháng 11 hay đầu tháng 12.
Thương nhân đã chào bán cà phê robusta loại 2 với 5% hạt đen và vỡ ở mức cộng 80 – 90 USD/tấn so với hợp đồng kỳ hạn tháng 11 tại London, mức cộng một tuần trước là 80 USD/tấn.
Tại tỉnh Lampung, Indonesia, mức cộng của cà phê rubusta Sumatran tiếp tục giảm do nguồn cung tăng khi vụ thu hoạch đang diễn ra. Cà phê được chào bán ở mức cộng 160 USD so với hợp đồng kỳ hạn tháng 9, một tuần trước mức cộng là 180 -190 USD/tấn.
Giá gạo Ấn Độ, Thái Lan tăng, gạo Việt Nam ổn định ở mức cao
Giá gạo xuất khẩu tại Ấn Độ tăng cao trong tuần này do lũ lụt và số ca nhiễm virus corona tăng vọt gây cản trở nguồn cung và logistic xuất khẩu.
Giá gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ tăng lên 383-389 USD/tấn so với 382-387 USD/tấn một tuần trước, các nhà xuất khẩu gặp khó khăn để hoàn thành các đơn hàng do hạn chế về container và công nhân tại Kakinada, cảng xuất khẩu gạo lớn nhất của nước này.
Với 2,84 triệu ca nhiễm Covid-19, Ấn Độ là quốc gia bị ảnh hưởng tồi tệ nhất Châu Á và chỉ đứng thứ ba về số ca nhiễm trên thế giới sau Mỹ và Brazil.
Trong khi đó, giá gạo 5% tấm của Việt Nam không đổi tại 480-490 USD/tấn, cao nhất kể từ cuối năm 2011. Một thương nhân tại Thành phố Hồ Chí Minh cho biết các nguồn cung cấp yếu do thương nhân tăng cường mua gần đây và vụ hè thu đã kết thúc.
Dự kiến giá vẫn ở mức cao trong vài tháng tới cho tới vụ thu hoạch mới trong tháng 10.
Lo ngại về nguồn cung đã đẩy giá gạo 5% tấm của Thái Lan tăng lên 480 – 500 USD, cao nhất kể từ ngày 2/7, so với 465 – 500 USD trong tuần trước đó. Nhu cầu gạo Thái Lan vẫn ổn định trong tuần này do giá cao.
Ngô, đậu tương giảm
Đậu tương Chicago giảm sau khi đạt mức cao nhất 7 tháng trong một ngày trước, ngô cũng giảm do các thương nhân cho rằng thiệt hại do cơn bão gần đây không ảnh hưởng nhiều tới triển vọng sản lượng vụ thu hoạch nói chung là tốt.
Hợp đồng đậu tương trên sàn giao dịch Chicago đóng cửa giảm 8-3/4 US cent xuống 9,05-1/4 USD/bushel.
Ngô CBOT giảm 1/2 US cent xuống 3,39-1/4 USD/bushel, trong khi lúa mì tăng 6-1/2 US cent lên 5,28-1/2 USD/bushel.
Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng ngày 21/08