Phải bỏ đất sản xuất
Bà Nguyễn Thị Làm (54 tuổi, ở thôn Công Trung, xã Mỹ Chánh, huyện Phù Mỹ, Bình Định) có 3 sào ruộng ở cánh đồng Công Trung hưởng nước từ hồ thủy lợi Hố Trạnh. Khoảng 3 năm trước, bà vẫn sản xuất đều đặn mỗi năm 3 vụ; 2 năm trở lại đây, hạn hán khốc liệt, hồ Hố Trạnh xuống cấp nên chỉ làm được 1 vụ nhưng thất thu. “Hai năm nay, cứ đến tháng 7, tháng 8 là gia đình tôi đã hết cái ăn, phải đi mua gạo để ăn bù từng bữa nên khó khăn càng chồng chất”, bà Làm cho biết.
Theo ông Võ Văn Trung, Trưởng thôn Công Trung, đồng Công Trung rộng trên 60ha, là vùng canh tác của 500 hộ dân (khoảng 2.000 nhân khẩu) ở 3 thôn An Hoan, Trung Xuân, Công Xuân. Đồng đất màu mỡ, trước kia mỗi năm bà con sản xuất được 3 vụ cho năng suất rất cao, lúa gạo dư dả để xuất bán ra nhiều nơi. Bây giờ chỉ sản xuất được 1 vụ, nhưng sản lượng rất thấp nên bà con năm nào cũng lo lắm. “Ngoài cánh đồng 60ha bỏ hoang, ở vùng đồi sản xuất cây màu gần 20ha của người dân thôn Công Trung, An Hoan cũng bị hạn vắt kiệt nước, cây trồng chết dần chết mòn”, ông Trung thông tin thêm.
Báo cáo nhanh của Phòng NN-PTNT huyện Phù Mỹ thể hiện, 44/45 hồ chứa ở huyện này đã khô đáy. Vụ hè năm nay có trên 1.300ha đất lúa phải bỏ trồng, nghiêm trọng nhất là vụ mùa (vụ thu tháng 7 đến tháng 10) phải bỏ sản xuất trên 4.700ha đất lúa. Hai vụ liên tiếp phải dừng sản xuất hàng ngàn hécta đất nông nghiệp, lương thực tích trữ gần hết khiến nhiều vùng dân trọng điểm hạn đang lo thiếu gạo. Vừa rồi, Phù Mỹ đã có kiến nghị lên UBND tỉnh để có chính sách hỗ trợ dân bỏ đất chống hạn…
Ở vùng “chảo lửa” Phổ Cường (thị xã Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi), ông Trần Nguyên Giang, Chủ tịch UBND xã, lo lắng: “Nắng hạn thiêu đốt ngày càng khốc liệt hơn, khắp nơi không tìm ra được một vũng nước cho chim chóc, trâu bò, gia cầm uống. Vụ hè thu năm nay, địa phương chủ động bỏ sạ trên 1.000ha đất lúa sản xuất của 3.300 hộ với gần 16.000 nhân khẩu. Trước mắt, bà con còn lương thực tích trữ để vượt hạn, nhưng nếu hạn còn kéo dài, nhiều vùng dân sẽ rất khó khăn”.
Hàng chục ngàn hộ dân thiếu nước
Càng đi sâu vào vùng “lõi hạn” xã Mỹ Chánh (huyện Phù Mỹ, Bình Định), khắp nơi người dân đâu đâu cũng ta thán việc khát nước. Ông Hà Văn Sơn (53 tuổi, thôn Thượng An, xã Mỹ Chánh) giãi bày: “Từ đầu năm đến nay, trời nắng như thiêu đốt, không có một trận mưa đúng nghĩa. Hiện tại, trạm nước sạch ở thôn Đông Hạp (xã Mỹ Chánh) liên tục hụt hơi, dân phải mua thêm máy bơm về đấu nối để tiếp sức mới có nước dùng. Nhưng nước bơm lên rất yếu, phải dùng sô hứng từng giọt khổ lắm!”.
Thôn Thượng An đã khổ, các thôn Công Trung, An Hoan, Trung Xuân, An Xuyên…(xã Mỹ Chánh) với gần 2.000 hộ dân còn khốn đốn hơn. Để có nước sử dụng, người dân dùng đến xe rùa, xe đạp, xe gắn máy, tàu cá hoặc đi bộ đến địa phương khác để xin hoặc mua nước về dùng. “Phần lớn diện tích đất ở đây đều bị nhiễm mặn, không thể canh tác được. Người dân đã chi ra rất nhiều tiền của để khoan, đào giếng tìm nước, nhưng tiền mất mà nước bơm lên không dùng được”, ông Sơn nói.
Ông Dương Văn Tô, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ngãi, thông tin hiện có trên 11.000 hộ dân ở vùng “lõi hạn” các huyện Bình Sơn, Sơn Tịnh, Nghĩa Hành, Mộ Đức, Ba Tơ, thị xã Đức Phổ (tỉnh Quảng Ngãi) đang thiếu nước sinh hoạt. Hạn mặn gây thiệt hại nặng nhất cho người dân thị xã Đức Phổ, với trên 5.000 hộ dân thiếu nước sinh hoạt, hàng ngàn hécta đất phải dừng sản xuất, bỏ hoang. Đặc biệt, trong 2 năm 2019, 2020, lượng mưa ít, mùa khô khắc nghiệt khiến xâm nhập mặn ngày càng gia tăng. Hiện tại có hàng ngàn giếng nước của người dân ở xã Phổ Thạnh, Phổ Cường (thị xã Đức Phổ) bị nhiễm mặn nặng.
Ngược vào Phú Yên, ông Nguyễn Kim Thanh, Chủ tịch UBND xã An Ninh Đông (huyện Tuy An), cho biết, toàn xã có 800 hộ dân (khoảng 3.500 nhân khẩu) bị ảnh hưởng của hạn mặn, thiếu nước sinh hoạt. Hạn mặn cũng gây thiệt hại trắng khoảng 70ha rừng phòng hộ ven biển xã An Ninh Đông, không thể phục hồi hay trồng mới lại được.
Theo sggp.org.vn