Ông Cao Lương Tri, nuôi cá tra ở TP Long Xuyên (An Giang) cho biết, còn hơn 400 tấn cá tra hiện đã quá lứa thu hoạch rất lâu, nhưng chưa bán được bởi các nhà máy thu mua rất chậm.
Chiều 7-7, Sở NN-PTNT các tỉnh ĐBSCL cho biết, hiện nay giá cá tra tiếp tục duy trì ở mức thấp khiến hàng loạt hộ nuôi gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, giá cá tra dao động từ 17.500 – 19.000 đồng/kg (tùy loại), với mức này người nuôi chịu lỗ từ 3.500- 5.000 đồng/kg, mức lỗ khá nặng.
Nhiều hộ nuôi cá tra ở ĐBSCL lỗ nặng do giá thấp kéo dài
Theo Tổng cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT), năm 2020 toàn vùng ĐBSCL dự kiến thả nuôi khoảng 6.600ha cá tra, với sản lượng ước khoảng 1,42 triệu tấn. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay giá cá tra thương phẩm dao động ở mức từ 19.000 đồng/kg trở xuống, thấp hơn chi phí giá thành nhiều. Nguyên nhân khiến cá tra sụt giảm là do diện tích thả nuôi tăng nhanh, trong khi đầu ra gặp khó khăn bởi ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp ở nhiều nước trên thế giới. Cộng với sự cạnh tranh của những quốc gia khác tăng cường nuôi cá tra trong mấy năm gần đây. Theo Tổ chức Nông lương Liên Hiệp Quốc (FAO), tổng sản lượng cá tra nuôi toàn cầu năm 2018 đạt 2,8 triệu tấn, tăng 6% so với năm 2017; trong đó, Việt Nam khoảng 1,3 triệu tấn (chiếm khoảng 45% tổng sản lượng cá tra nuôi toàn cầu, Indonesia và Bangladesh khoảng 300.000- 400.000 tấn mỗi nước, Ấn Độ đạt 855.500 tấn…
Chế biến cá tra xuất khẩu ở ĐBSCL gặp khó khăn, do thị trường tiêu thụ rất chậm
Tổng cục Thủy sản lưu ý, sản lượng nuôi cá tra tăng nhanh ở Ấn Độ, có thể khuyến khích các nhà đầu tư xây dựng nhà máy chế biến cá tra tại đây. Còn Indonesia đã và đang đẩy mạnh xúc tiến thương mại vào thị trường Trung Đông khi cho ra mắt dòng sản phẩm dành riêng cho thị trường này. Trung Quốc hiện có 20 nhà máy chế biến cá tra với năng lực sản xuất ước tính khoảng 30.000 tấn và đang đẩy mạnh nuôi, chế biến cá tra, trước mắt phục vụ tiêu thụ nội địa… Do đó, trong tương lai gần, ngành cá tra Việt Nam có thể gặp nhiều khó khăn do có những đối thủ cạnh tranh tiềm năng.
Giải pháp hiện nay là theo dõi sát diễn biến thị trường nhằm đáp ứng ngay các yêu cầu xuất khẩu của những quốc gia nhập khẩu trở lại khi dịch bệnh lắng xuống. Các nhà máy chế biến cần đa dạng hóa sản phẩm theo từng phân khúc thị trường; khuyến khích người nuôi và doanh nghiệp chế biến tham gia chuỗi liên kết để sản xuất theo tín hiệu thị trường, tránh tình trạng dư nguồn cung hoặc thiếu nguyên liệu phục vụ xuất khẩu; ngoài ra đẩy mạnh tìm kiếm thị trường mới, chuyển hướng thị trường xuất khẩu thay vì tập trung vào một số thị trường chính…
HUỲNH LỢI
Theo sggp.org.vn