Kinh doanh & pháp luật, Thông tin
Kinh doanh lượng lớn mỹ phẩm nhập lậu qua website thương mại điện tử
Kinh doanh lượng lớn mỹ phẩm nhập lậu qua website thương mại điện tử
Cụ thể, theo thông tin từ Cục QLTT Bình Thuận, ngay sau khi nhận được nguồn tin báo từ cơ sở, Đội QLTT số 5 đã tổ chức thẩm tra, xác minh thông tin cơ sở có dấu hiệu vi phạm kinh doanh hàng hóa nhập lậu qua website thương mại điện tử. Quá trình thẩm tra, xác minh, Đội QLTT số 5 xác định cơ sở có dấu hiệu vi phạm như đúng tin báo.
Lượng lớn mỹ phẩm nhập lậu bị phát hiện. Ảnh: Cục QLTT Bình Thuận
Cụ thể, Đội QLTT số 5 phối hợp cùng với Đội QLTT số 1, Cục QLTT Bình Thuận đã tiến hành kiểm tra cơ sở kinh doanh An Ngụy Beauty do bà Ngụy Thanh A làm chủ trên địa bàn thành phố Phan Thiết.
Qua kiểm tra, Đội QLTT số 5 phát hiện cơ sở đang kinh doanh lô hàng 290 sản phẩm mỹ phẩm các loại do nước ngoài sản xuất, không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp.
Ngoài ra, lực lượng chức năng còn phát hiện cơ sở đang sử dụng website thương mại điện tử để kinh doanh hàng hóa nhưng thông tin về sở hữu website niêm yết trên website thương mại điện tử là không đúng với thông tin ghi trên giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh do bà Ngụy Thanh A làm chủ.
Để đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng, Đội QLTT số 5 đã tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính đối với bà Ngụy Thanh A và chuyển hồ sơ đề nghị Cục QLTT Bình Thuận xem xét, ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền về các hành vi vi phạm hành chính: Kinh doanh hàng hóa nhập lậu và không bổ sung hồ sơ thông báo liên quan đến website thương mại điện tử bán hàng theo quy định, với tổng số tiền xử phạt: 33.000.000 đồng, đồng thời tịch thu lô hàng 290 sản phẩm mỹ phẩm nhập lậu.
Theo lực lượng chức năng, thị trường mỹ phẩm Việt Nam hiện nay do mức sống được nâng cao, ngày càng nhiều phụ nữ Việt sử dụng các sản phẩm mỹ phẩm. Nắm bắt được nhu cầu làm đẹp của phụ nữ, nhiều chủ kinh doanh mỹ phẩm đã nhập hàng hóa không rõ nguồn gốc để bán kiếm lời.
Mặc dù, trong thời gian qua, các bộ, ngành, địa phương và lực lượng chức năng đã tích cực triển khai nhiều biện pháp đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, phát hiện và xử lý hàng chục nghìn vụ việc vi phạm. Tuy nhiên, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, đặc biệt là nhóm hàng mỹ phẩm vẫn đang diễn ra rất phức tạp. Tỷ lệ phát hiện, xử lý còn thấp, vi phạm diễn ra ngày một đa dạng với phương thức thủ đoạn tinh vi, phạm vi rộng từ thành thị đến nông thôn, miền núi.
Những sản phẩm không rõ nguồn gốc tuồn ra thị trường và đến tay người tiêu dùng sẽ rất nguy hiểm và ảnh hưởng tới sức khỏe của người tiêu dùng. Theo chuyên gia về da liễu, những trường hợp dùng phải mỹ phẩm giả đa phần sẽ bị dị ứng, kích ứng vì có thể trong mỹ phẩm đó chứa chất độc với cơ thể, gây tổn hại da.
Chính vì vậy, bên cạnh sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, người tiêu dùng cần thận trọng khi sử dụng mỹ phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Đồng thời, thông báo đến các cơ quan chức năng nếu phát hiện nghi vấn mỹ phẩm giả, kém chất lượng, tránh tâm lý ham rẻ rồi lại “tiền mất tật mang”, vô tình tiếp tay cho các chủ cửa hàng kinh doanh kiếm lợi bất chính.
An Dương/Theo Vietq.vn