Miền Trung đổ lửa

Miền Trung đổ lửa

Mới chớm hè nhưng các tỉnh miền Trung đang trải qua đợt nắng nóng như đổ lửa. Có thời điểm, nhiệt độ vượt 40°C khiến cuộc sống của người dân bị đảo lộn. Khắc nghiệt hơn, nắng nóng rơi đúng thời điểm người dân các tỉnh từ Quảng Nam đến Phú Yên gần như kiệt quệ sau gần nửa năm trời ròng rã chống chọi với hạn hán khốc liệt và mặn xâm nhập sâu.

Ruộng đồng khô cháy

Các hoạt động làm ăn, buôn bán, sản xuất của người dân tại các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên đều bị đảo lộn, ngưng trệ vì nắng hạn gay gắt. Xã Phổ Cường, nơi được cho là “chảo lửa” của tỉnh Quảng Ngãi, mới buổi sáng mà nắng nóng đã như thiêu đốt, khiến cả vùng này trở nên tiêu điều, xơ xác.

Nghe nhắc chuyện khô hạn, ông Nguyễn Văn Mót (52 tuổi, thôn Nga Mân, xã Phổ Cường) than: “Lo lắm, mới đầu hè mà trời nắng gay gắt đến nghẹt thở. Tất cả đồng ruộng của thôn này đều bị nắng thiêu cháy hết. Mọi người rồi đây không biết lấy chi mà sống khi mà đến nước giếng cũng cạn. Đồng khô cỏ cháy khiến lũ bò chẳng tìm ra cỏ mà gặm”. Những cánh đồng Bài, Hầm, Công Điền, Gò Da khô hạn bủa vây, ruộng đồng khô cháy, nứt nẻ.

Nắng nóng khiến cánh thợ trồng dưa hấu ở vùng hạ du sông Côn chao đảo. Dưới những chòi canh dưa lợp bạt nóng hừng hực, những thợ chăn dưa cởi trần thở khó nhọc.

Các tỉnh miền Trung đang bị hạn hán nghiêm trọng

Thợ trồng dưa hấu Trần Hải (40 tuổi, ở thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định) loay hoay sửa lều canh 17 sào dưa hấu ở hạ lưu sông Côn, nói: “Nhận biết được thời tiết có xu hướng khô hạn khốc liệt hơn nên cánh thợ trồng dưa hấu ở các vùng đều đổ về hạ du sông, ven biển để thuê đất ruộng lúa trồng dưa nhằm trốn hạn và sâu bọ…”.

Ở cánh đồng Trung Ái (xã Nhơn Hòa, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định), vợ chồng bà Lưu Thị Thảo kiệt sức vì chạy nước, cứu 22 sào lúa non. Dưới cái nắng gần 40°C, bà Thảo chỉ tay vào đám ruộng nứt nẻ, than: “Nắng khủng khiếp, 2 ngày nay, tôi với chồng phải trắng đêm để bơm nước cứu lúa. Cả cánh đồng hàng trăm hécta mà phần lớn bị nứt nẻ hết”.

La Hường được xem là một trong những vựa rau lớn nhất Đà Nẵng, nằm trên biền sông Cẩm Lệ. Những vườn rau, củ quả vốn xanh mướt quanh năm đã bị chết rụi, chỉ còn lại những mảnh đất trống trơn. Ông Mai Văn Y, nông dân tại vườn rau La Hường, cho biết, ông trồng 1 mẫu rau màu gồm mướp, rau cải, rau muống, thế nhưng do nắng hạn và nhiễm mặn nên 30% diện tích bị hư hại.

Tình trạng xâm nhập mặn trên sông Cẩm Lệ xảy ra từ cuối năm 2019 đến nay, bây giờ lại thêm nắng nóng khốc liệt kéo dài, để cứu vườn rau của mình, người dân phải tự khoan giếng tìm nguồn nước ngọt để canh tác, nhưng nước giếng khoan cũng bị nhiễm mặn.

Nắng nóng cộng khô hạn kéo dài khiến cuộc sống người dân huyện miền núi Hướng Hóa, Quảng Trị đã khó nay càng khó khăn hơn. Nhiều cây trồng chủ lực như sắn, cà phê, tiêu bị khô hạn và sâu bệnh hoành hành làm ảnh hưởng tới năng suất, thời vụ.

Ông Hồ Văn (xã Thanh, huyện Hướng Hóa) cho biết, cả nửa năm trời hầu như chỉ toàn nắng và khô hạn khiến nước sông Sê Pôn cạn hết, đất trồng không có nước tưới nên cây sắn chết khô nhiều, số còn lại chậm phát triển.

“Gia đình tôi trồng gần 2ha sắn, từ khi trồng nhiều tháng liền không có mưa nên diện tích sắn phần bị chết, phần còn lại còi cọc, sâu bệnh hoành hành”, ông Văn buồn rười rượi nói.

Lo lắng nhất là nước sinh hoạt

Tầm 6 giờ sáng nhưng ở Bình Định đã nóng bức như chảo lửa. Chạy dọc tuyến đường ven biển TP Quy Nhơn đi Phù Cát, Phù Mỹ, Hoài Nhơn…, khắp nơi người dân kêu trời vì nắng nóng. Các công trường ngổn ngang vật liệu, công nhân núp dưới những lùm cây để tránh nắng, máy móc vẫn đì đùng hoạt động, khói bụi bay tứ tung…

Tại các cảng cá, bến cá, làng biển, cánh ngư dân tranh thủ đánh bắt trở về bến sớm hơn để trốn nắng. Ông Nguyễn Đình Sơn (xã Phước Lộc, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định) mệt mỏi than: “Hầu như chẳng ai dám đưa đàn bò đi thả đồng vì các loại cỏ khô cháy hết rồi”.

Cao điểm nắng nóng từ 11 – 14 giờ hàng ngày khiến các con đường chính tại TP Đông Hà, Huế, Tam Kỳ, Quảng Ngãi… vắng người qua lại. Người dân thường đến quán nước hoặc vào bãi cỏ công viên nghỉ ngơi giải nhiệt.

Người dân TP Đà Nẵng đi tắm biển để giải nhiệt vì nắng nóng. Ảnh: XUÂN QUỲNH

Đợt nắng nóng gay gắt này rơi đúng thời điểm người dân các tỉnh Bắc miền Trung thu hoạch vụ lúa đông xuân. Để trốn nắng và kịp mùa vụ, nông dân thường ra đồng từ 3 giờ sáng và chiều muộn, thậm chí chong đèn làm việc suốt đêm.

Bà Nguyễn Thị Hoa (xã Hải Thiện, huyện Hải Lăng, Quảng Trị) cho biết, gia đình có 7 sào lúa, không chịu nổi nắng nóng nên phải chong đèn cho máy gặt lúa ban đêm và vận chuyển thóc về nhà phơi lúc 7 giờ sáng.

Khắp nơi trong xã Phổ Cường (huyện Đức Phổ, Quảng Ngãi) đều bắt gặp cảnh người dân đi tìm nguồn nước tưới cho lúa, cây màu. Nhiều con suối, hồ đập nước nhỏ lân cận đều bị máy bơm rút khô khốc.

Ông Võ Phụng (57 tuổi, thôn Bàn Thạch) vuốt mồ hôi nói: “Sông suối, ao hồ giờ đều đã bị hút cạn nước. Giờ lo lắng nhất là nước sinh hoạt, nếu cứ nắng thế này thì cam go. Do hạn kéo dài, lượng mưa ít nên nước biển đã xâm nhập sâu vào đất liền khiến các giếng khoan đều bị nhiễm mặn, nhiễm phèn”.

Theo ông Võ Cương, Phó Chủ tịch UBND xã Phổ Cường, tình hình hạn hán đang diễn biến rất phức tạp. Nặng nhất là từ năm 2019 đến nay, xã Phổ Cường gồng mình chống hạn. Bây giờ mọi giải pháp chống hạn đều không đem lại hiệu quả.

“Gần như 1.000ha cây trồng và lúa của địa phương phải bỏ sản xuất. Lo nhất là 400ha lúa ở đầm Lâm Bình đang dần cháy khô, nguy cơ mất trắng. Hồ Liệt Sơn không xả nước, chắc diện tích lúa còn lại của xã phải bỏ hết”, ông Cương nói.

Hàng trăm hồ đập thủy lợi tại miền Trung đang ở mực nước chết, nhiều hồ đập ở các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định hiện trơ đáy. Hồ nước Thủy Tiên được bao bọc bởi những rừng thông xanh ngút ngàn vùng đồi Thiên An thuộc xã Thủy Bằng, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên – Huế, xưa nay chưa bao giờ cạn nước, nay cũng đã khô kiệt, mặt hồ bốc bụi, nứt nẻ.

Trong khi nông dân đang khốn khổ cứu cây trồng thoát khỏi xâm nhập mặn và khô hạn thì người dân ở nội thành Đà Nẵng cũng vật vã vì nắng nóng. Thời tiết càng trở nên oi bức bởi động cơ phương tiện giao thông, nhựa đường. Những ngày này, nhiều người dân phải trốn nắng ở dọc bờ sông, gầm cầu, trung tâm thương mại, cây có tán rộng ở góc đường, công viên… Anh Dương Lân, lái xe Grab, trưa nào cũng ghé gầm cầu sông Hàn để trốn nóng vì nhà trọ của anh quá ngột ngạt.

Trước thời tiết như đổ lửa, người dân Đà Nẵng đổ xô đi tắm biển vào sáng sớm hoặc chiều muộn. Theo ông Nguyễn Đức Vũ, Trưởng ban Quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng, những ngày này, có đến 90% người dân địa phương đến tắm biển tại TP Đà Nẵng. Người dân tập trung đông tại bãi tắm Phạm Văn Đồng ở phía Bắc công viên Biển Đông, gồm 3 bãi tắm từ số 1 đến số 3.

                                                                                          XUÂN QUỲNH

NHÓM PV

Trả lời