Ngày 29/3/2024, Tổng cục Thống kê vừa công bố Báo cáo xu hướng sản xuất, kinh doanh (SXKD) ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và xây dựng quý I/2204 và dự báo quý II/2024. Theo đó, Điều tra xu hướng SXKD hằng quý bao gồm 6.500 doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và 6.405 doanh nghiệp ngành xây dựng được chọn mẫu điều tra, đại diện cho toàn ngành chế biến, chế tạo và xây dựng của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Tổng số doanh nghiệp trả lời trong kỳ điều tra quý I/2024 là 5.751 doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo (chiếm 88,5% số doanh nghiệp được chọn mẫu điều tra) và 6.018 doanh nghiệp ngành xây dựng (chiếm 94,0% số doanh nghiệp được chọn mẫu điều tra).
Hoạt động SXKD của các doanh nghiệp công nghiệp chế biến, chế tạo khó khăn trong quý I/2024
Báo cáo xu hướng sản xuất, kinh doanh ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và xây dựng quý I/2204 và dự báo quý II/2024 của Tổng cục Thống kê cho thấy, hoạt động SXKD của các doanh nghiệp công nghiệp chế biến, chế tạo quý I/2024 được nhận định khó khăn hơn quý IV/2023, nhưng tích cực hơn hoạt động SXKD của các doanh nghiệp quý I/2023 so với quý IV/2022, đặc biệt là khu vực doanh nghiệp FDI.
Hình 1: Các yếu tố ảnh hường đến SXKD của các DN quý I/2024 (%)
Nguồn: Tổng cục Thống kê |
Cụ thể: Hoạt động SXKD của các doanh nghiệp xây dựng quý I/2024 khó khăn hơn quý IV/2023 với 16,3% doanh nghiệp nhận định hoạt động SXKD thuận lợi hơn; 41,5% doanh nghiệp nhận định hoạt động SXKD giữ ổn định và 42,2% doanh nghiệp nhận định hoạt động SXKD khó khăn hơn.
Trong quý I/2024, ngành sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác có tỷ lệ doanh nghiệp nhận định “khối lượng sản xuất” giảm nhiều nhất (giảm 52,4%) do tỷ lệ doanh nghiệp nhận định “khối lượng đơn đặt hàng mới” và “giá bán bình quân trên một đơn vị sản phẩm” đều giảm (giảm lần lượt là 52,4% và 15,7%), kết hợp với tỷ lệ doanh nghiệp nhận định “chi phí sản xuất trên một đơn vị sản phẩm” tăng cao so với quý IV/2023 (tăng 32,7%). Việc “khối lượng sản xuất” của ngành này được nhận định giảm sâu trong quý I/2024 có thể tạo áp lực về thiếu hụt nguyên vật liệu đối với ngành xây dựng.
Trong quý I/2024, hai yếu tố “nhu cầu thị trường trong nước thấp” và “tính cạnh tranh của hàng trong nước cao” vẫn là những yếu tố ảnh hưởng nhiều nhất đến hoạt động SXKD của doanh nghiệp với tỷ lệ doanh nghiệp lựa chọn lần lượt là 55,1% và 49,8%. Yếu tố “không tuyển dụng được lao động theo yêu cầu” có tỷ lệ doanh nghiệp lựa chọn tăng nhiều nhất (tăng 3,3% so với quý IV/2023) với tỷ lệ doanh nghiệp lựa chọn là 19,8% (Hình 1).
Quý II/2024, có 32,2% doanh nghiệp dự báo hoạt động SXKD thuận lợi hơn
Dự báo quý II/2024 so với quý I/2024, các doanh nghiệp xây dựng nhận định hoạt động SXKD tốt lên với 32,2% doanh nghiệp dự báo hoạt động SXKD thuận lợi hơn; 40,7% nhận định giữ ổn định và 27,1% dự báo khó khăn hơn.
Đáng lưu ý, kết quả khảo sát quý I/2024 cho thấy, có 76,4% doanh nghiệp vay vốn phục vụ SXKD. Theo nguồn vay, có 76,3% doanh nghiệp vay ngân hàng; 12,4% doanh nghiệp vay người thân, bạn bè; 7,1% doanh nghiệp vay tổ chức tín dụng khác; 2,9% doanh nghiệp vay nhân viên ngân hàng, tổ chức tín dụng không qua thủ tục chính thức; 1,3% doanh nghiệp vay từ các nguồn khác. Trong số các doanh nghiệp có vay vốn ngân hàng phục vụ SXKD, chỉ có 39,5% doanh nghiệp tiếp cận được các khoản vay ưu đãi; 60,5% doanh nghiệp không tiếp cận được các nguồn vay ưu đãi.
Nhận định về tình hình vay vốn cho hoạt động SXKD, có 18,3% doanh nghiệp nhận định vay vốn quý I/2024 thuận lợi hơn quý IV/2023, 55,0% doanh nghiệp nhận định không thay đổi, 26,7% doanh nghiệp nhận định vay vốn khó khăn hơn. Dự báo quý II/2024, có 20,9% doanh nghiệp nhận định vay vốn thuận lợi hơn quý I/2024, 57,7% doanh nghiệp nhận định không thay đổi, 21,4% doanh nghiệp nhận định vay vốn khó khăn hơn quý I/2024 (Hình 2).
HÌNH 2: VAY VỐN PHỤC VỤ SẢN XUẤT KINH DOANH QUÝ I/2024 (%)
Nguồn: Tổng cục Thống kê |
Báo cáo cũng cho biết, 2 yếu tố thường ảnh hưởng nhiều nhất đến hoạt động SXKD của doanh nghiệp xây dựng là “giá nguyên vật liệu tăng cao” và “không có hợp đồng xây dựng mới”.
Theo khảo sát trong quý I/2024, yếu tố ảnh hưởng nhiều nhất đến SXKD của doanh nghiệp là “không có hợp đồng xây dựng mới” với 52,2% số doanh nghiệp; yếu tố “giá nguyên vật liệu tăng cao” với 46,5% số doanh nghiệp. Dự báo trong quý II/2024, các doanh nghiệp cho rằng yếu tố “giá nguyên vật liệu tăng cao” ảnh hưởng nhiều nhất với 48,7% doanh nghiệp, yếu tố “không có hợp đồng xây dựng mới” với 40,4% doanh nghiệp (Hình 3).
HÌNH 3: CÁC YẾU TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN HOẠT ĐỘNG SXKD CỦA DOANH NGHIỆP XÂY DỰNG QUÝ I/2024 VÀ QUÝ II/2024 (%)
Nguồn: Tổng cục Thống kê |
46,4% doanh nghiệp đề nghị được hỗ trợ về vốn cho SXKD
Để tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho hoạt động SXKD, doanh nghiệp xây dựng kiến nghị Chính phủ, Bộ, ngành, địa phương hỗ trợ doanh nghiệp (Hình 4), cụ thể:
Một là, 46,4% doanh nghiệp đề nghị được hỗ trợ về vốn cho SXKD như được vay vốn ưu đãi, thủ tục vay vốn thuận lợi và nhanh chóng hơn, giảm lãi suất cho vay;
Hai là, 44,3% doanh nghiệp đề nghị được hỗ trợ về nguyên vật liệu như đảm bảo nguồn cung và bình ổn giá nguyên vật liệu;
Ba là, 38,3% doanh nghiệp đề nghị thông tin đấu thầu cần công khai, minh bạch;
Bốn là, 32,9% doanh nghiệp đề nghị tiếp tục cắt giảm thủ tục hành chính;
Năm là, 26,6% doanh nghiệp đề nghị được bàn giao mặt bằng đúng tiến độ để đảm bảo thời gian thi công đúng hợp đồng đã ký kết;
Sáu là, 24,3% doanh nghiệp đề nghị phải có chế tài xử phạt các chủ đầu tư chậm thanh quyết toán nợ đọng xây dựng cơ bản để doanh nghiệp xây dựng quay vòng vốn cho hoạt động SXKD.
Hình 4: KIẾN NGHỊ CỦA DOANH NGHIỆP XÂY DỰNG (%)
Nguồn: Tổng cục Thống kê |
Ngoài các nhóm kiến nghị trên, các doanh nghiệp, nhà thầu xây dựng kiến nghị Chính phủ, Bộ, ngành, địa phương:
Thứ nhất, sau Tết Nguyên Đán, hoạt động xây dựng quay trở lại quỹ đạo bình thường, quý II/2024 các doanh nghiệp dự báo có thêm hợp đồng xây dựng mới nên nhu cầu về nguyên vật liệu xây dựng tăng cao. Vì vây, doanh nghiệp mong muốn Chính phủ, các Bộ, ngành và địa phương tiếp tục kiểm soát giá, ổn định nguồn cung nguyên vật liệu, tránh sự độc quyền về nguồn cung dẫn đến tăng giá để hoạt động xây dựng của doanh nghiệp không bị ảnh hưởng.
Thứ hai, thiếu vốn là vấn đề của hầu hết các doanh nghiệp, năng lực tài chính của doanh nghiệp là một trong những yếu tố chính quyết định đến khả năng trúng thầu của đơn vị. Vì vậy, doanh nghiệp mong muốn giảm bớt điều kiện vay vốn, thủ tục vay vốn để có thể tiếp cận được các gói vay ưu đãi.
Thứ ba, nhanh chóng tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh, thành phố nhằm đẩy nhanh tiến độ giải quyết hồ sơ, đảm bảo đúng trình tự và thời gian.
Thứ tư, lao động nghỉ việc, chuyển việc do bị nợ lương, chậm lương quá lâu, vì vậy, cần nhanh chóng thanh quyết toán nợ đọng, được giải ngân vốn, tạm ứng vốn đúng kỳ hạn để thanh toán nợ lương cho người lao động./.