Nông - Lâm - Thủy sản, Thị trường và giá cả, Thông tin
Xuất khẩu rau quả gặp khó, nhà vườn đối mặt nhiều rủi ro
Xuất khẩu rau quả gặp khó, nhà vườn đối mặt nhiều rủi ro
Sau thời gian dài tăng trưởng phi mã thì từ đầu năm 2025 đến nay, xuất khẩu rau quả bỗng nhiên quay đầu sụt giảm liên tục. Xuất khẩu gặp khó đã kéo theo hệ lụy khi giá cả trái cây, rau màu trong nước sụt giảm và tiêu thụ chậm, khiến nhiều hộ nông dân đứng ngồi không yên.
Phân loại bưởi da xanh phục vụ xuất khẩu ở doanh nghiệp Hương Miền Tây. Ảnh: H.TÂN
Lợi nhuận giảm mạnh
Những ngày này, các tỉnh miền Tây vào mùa thu hoạch sầu riêng chính vụ, tuy nhiên cảnh mua bán không còn tấp nập như năm ngoái, bởi ảnh hưởng xuất khẩu khó khăn. Là nông dân có thâm niên trồng sầu riêng ở xã Trường Long, huyện Phong Điền, thành phố Cần Thơ, ông Trần Văn Chiến cho biết, thời điểm này năm 2024 ngày nào cũng có thương lái “săn lùn” mua sầu riêng xuất khẩu. Họ mua sầu riêng Ri6 loại tốt từ 100.000-130.000 đồng/kg, nhà vườn lời từ 1-1,5 tỉ đồng/ha trở lên. Còn hiện nay giá sầu riêng Ri6 giảm xuống còn 35.000-50.000 đồng/kg (tùy loại), cộng với năng suất thấp do thời tiết không thuận lợi, vì vậy mức lãi của bà con giảm một nửa so cùng kỳ. “Gia đình tôi trồng 2ha sầu riêng, sản lượng khoảng 40 tấn; do giá chưa bằng 50% năm ngoái, vì vậy lợi nhuận giảm mạnh…”, ông Chiến bộc bạch.
Chỉ chúng tôi vườn sầu riêng rộng 1ha của mình vừa thu hoạch hơn 18 tấn, dù vẫn có lời nhưng ông Trần Văn Thanh, ở xã Trường Long, huyện Phong Điền, rất lo lắng. “Mấy năm trước giá sầu riêng luôn ở mức cao nên tới vụ thu hoạch là lời to, vì vậy nhiều nơi ùn ùn mở rộng diện tích. Nay, sầu riêng giảm giá mạnh, dù nông dân chưa thua lỗ nhưng lợi nhuận giảm theo; càng lo hơn là thị trường xuất khẩu có nhiều rào cản, nếu chúng ta không ứng phó kịp thời thì hệ lụy khó tránh khỏi”, ông Thanh cho hay.
Ở huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang, những ngày này nông dân bắt đầu vào vụ thu hoạch sầu riêng, nhưng có rất ít thương lái tìm mua. Hiện sầu riêng Ri6 được thương lái mua tại vườn chỉ từ 38.000-42.000 đồng/kg tùy loại. Còn sầu riêng Musang King cũng chỉ khoảng 80.000 đồng/kg. Tuy nhiên, những ngày qua trong tỉnh xuất hiện các cơn mưa trái mùa khá nặng hạt làm cho trái sầu riêng bị sượng nên thương lái không mặn mà thu mua.
Hiện toàn tỉnh Hậu Giang có 2.993ha sầu riêng, trong đó diện tích cho trái thu hoạch 1.170ha, năng suất đạt khoảng 15 tấn/ha. Bên cạnh tình hình khó tiêu thụ thì toàn tỉnh cũng ghi nhận hơn 300ha sầu riêng bị bệnh cháy lá, thán thư, chảy gôm, sâu ăn lá… Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Kiểm lâm tỉnh Hậu Giang đã đề nghị cán bộ kỹ thuật các địa phương và nhà vườn thường xuyên kiểm tra và theo dõi các đối tượng sinh vật gây hại, bón phân, chăm sóc và cung cấp đủ nước cho cây, vệ sinh vườn để cây sinh trưởng và phát triển tốt. Gia cố các bờ đập, tiến hành kiểm tra và sửa chữa, tu bổ đê bao; theo dõi chặt chẽ nguồn nước, điều tiết nước theo từng giai đoạn phù hợp với yêu cầu của cây trồng.
Ngành nông nghiệp và nôi trường tỉnh Hậu Giang cho biết, thời gian qua đơn vị luôn đẩy mạnh thực hiện công tác lấy mẫu giám sát mã số vùng trồng, vùng nguyên liệu sản phẩm chủ lực của tỉnh, trong đó có vùng trồng sầu riêng, nhằm tăng cường đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm nông sản trên địa bàn. Tỉnh cũng xác định việc cấp mã số vùng trồng, sử dụng vật tư đầu vào thân thiện với môi trường là yếu tố quan trọng để đảm bảo, nâng cao chất lượng, an toàn thực phẩm. Hiện nay, nông dân có xu hướng chuyển sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao trong đó có cây sầu riêng, vì vậy ngành nông nghiệp và nôi trường tỉnh khuyến cáo bà con nông dân không trồng tự phát khi chưa có thị trường đầu ra ổn định, đồng thời cán bộ kỹ thuật sẽ tăng cường hỗ trợ nông dân áp dụng tiến bộ kỹ thuật, phòng ngừa các loại sâu bệnh để tăng năng suất và chất lượng cao.
Còn đối với những nông dân trồng bưởi da xanh xuất khẩu ở các tỉnh Sóc Trăng, Bến Tre, Hậu Giang… cũng trăn trở vì giá thấp. Ông Lê Văn Minh, ở huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre, thừa nhận: “Trước đây, thương lái đến vườn thu mua bưởi da xanh xuất khẩu giá 50.000-60.000 đồng/kg, nhưng sau Tết Nguyên đán 2025 giá giảm còn 10.000-15.000 đồng/kg khiến nông dân thua lỗ. Hiện tại, giá bưởi chỉ khoảng 20.000 đồng/kg, trong khi vật tư tăng nên chẳng có lời”. Các doanh nghiệp xuất khẩu trái cây ở tỉnh Bến Tre cho hay, gần đây việc xuất khẩu bưởi da xanh chậm hơn những năm trước, giá xuất cũng giảm khoảng 20%…
Dọc theo các xã Tân Thành, Thành Trung, Tân Hưng… nơi trồng khoai lang xuất khẩu nhiều nhất huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long, hiện không ít nông dân lo lắng vì giá cả lên xuống thất thường. Ông Lê Văn Đắng, ở xã Tân Hưng, trăn trở: “Giá khoai lang tím dao động 550.000-600.000 đồng/tạ (60kg); trong khi cùng kỳ năm 2024 giá tới 1,1-1,2 triệu đồng/tạ. Có thể nói, giá khoai lang xuất khẩu thay đổi liên tục bởi phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Khi đối tác ăn hàng nhiều thì giá nhanh chóng tăng; ngược lại họ giảm mua hoặc ngưng mua thì lập tức giá giảm mạnh. Trồng khoai lang xuất khẩu như “đánh bạc”, bởi nông dân không biết giá cả tăng giảm lúc nào”.
Nâng chất lượng đáp ứng thị trường khó tính
Bộ Nông nghiệp và Môi trường cho rằng, sở dĩ giá một số mặt hàng nông sản giảm là do tác động của xuất khẩu khó khăn; cụ thể quý I/2025 kim ngạch xuất khẩu rau quả chỉ đạt 1,1 tỉ USD, giảm 11,3%. Điều này trái ngược so với xuất khẩu tấp nập của cùng kỳ năm 2024. Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit) cho rằng, thời gian qua Trung Quốc luôn là thị trường nhập khẩu rau quả chủ lực của Việt Nam; sau đó mới tới các thị trường như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Australia, Malaysia, Hà Lan, Anh… Thế nhưng từ đầu năm 2025, phía Trung Quốc tăng cường kiểm tra sầu riêng nhập khẩu (của các nước như Thái Lan, Việt Nam…) phải đạt tiêu chuẩn dư lượng cadimi và chất vàng O tại các phòng thí nghiệm được ngành chức năng Trung Quốc công nhận. Việc siết chặt này khiến xuất khẩu sầu riêng gặp trở ngại, mất thời gian thông quan ở cửa khẩu và thực tế đã có nhiều lô hàng bị trả về do không đạt tiêu chuẩn.
Các doanh nghiệp xuất khẩu trái cây ở miền Tây tiết lộ, khi vào mùa thu hoạch thì sầu riêng được đóng hàng liên tục để cung ứng sang thị trường Trung Quốc. Do đó, doanh nghiệp và thương lái phải thu gom sầu riêng từ nhiều khu vườn khác nhau, dẫn đến chất lượng sầu riêng cũng khác nhau. Trong khi việc kiểm nghiệm cadimi và chất vàng O thì doanh nghiệp chỉ lấy mẫu nhất định, chứ không thể kiểm nghiệm tất cả 100% số lượng trái sầu riêng được, bởi tốn kém chi phí lớn và thời gian. Vì vậy, khi lô hàng được kiểm xong, đạt tiêu chuẩn và đưa tới cửa khẩu chuẩn bị thông quan thì lực lượng chức năng Trung Quốc lấy mẫu kiểm lại, nếu trúng những mẫu chưa được kiểm trước đó và không đạt chuẩn thì buộc phải quay đầu trở về. Đây là vấn đề nan giải mà các doanh nghiệp xuất khẩu sầu riêng đang vướng. Chính từ việc xuất khẩu sầu riêng bị chậm đã kéo tình hình chung của rau quả xuất khẩu giảm theo, bởi sầu riêng chiếm tỷ trọng gần 50% về kim ngạch…
Lãnh đạo Vinafruit lưu ý, ngoài Trung Quốc thì các thị trường như Mỹ, EU, Nhật Bản, Canada… đều siết chặt chất lượng nông sản nhập khẩu. Điều này buộc chúng ta phải nhanh chóng thay đổi để thích ứng, nếu muốn ngành rau quả về đích 8 tỉ USD trong năm 2025 và vươn xa hơn trong những năm tiếp theo. Theo đó, chất lượng rau quả phải được đặt lên hàng đầu và cần liên tục đầu tư để nâng cao nhằm đáp ứng phù hợp theo yêu cầu của thị trường nhập khẩu.
Ông Đàm Văn Hưng, chủ doanh nghiệp kinh doanh trái cây Hương Miền Tây (tỉnh Bến Tre), nhìn nhận: “Bây giờ, chúng ta không còn “một mình một chợ” khi xuất khẩu một số mặt hàng là lợi thế như bưởi da xanh, khoai lang tím… sang Trung Quốc, cũng như các thị trường khác, bởi chịu sự cạnh tranh quyết liệt từ nhiều quốc gia xuất khẩu nông sản trên thế giới. Do đó, để giữ thị phần và tăng thêm thị trường mới thì yếu tố chất lượng cao, giá thành thấp là mấu chốt để cạnh tranh, tồn tại. Hiện doanh nghiệp chúng tôi phối hợp cùng sở nông nghiệp và môi trường các tỉnh, các hợp tác xã… nhằm mở rộng liên kết sản xuất bưởi da xanh xuất khẩu. Doanh nghiệp sẽ cùng các ngành chuyên môn hỗ trợ nông dân, hợp tác xã kỹ thuật sản xuất theo tiêu chuẩn sạch, hữu cơ; đồng thời xây dựng mã số vùng trồng theo nhu cầu của từng thị trường nhập khẩu đưa ra. Phải kiểm soát được vùng đất, nguồn nước, vật tư đầu vào, ứng dụng quy trình canh tác hiện đại… thì sản phẩm rau quả của chúng ta mới vượt qua được hàng rào kiểm nghiệm nghiêm ngặt của những thị trường khó tính đặt ra”.
Theo Vinafruit, năm 2020 kim ngạch xuất khẩu hàng rau quả của cả nước đạt 3,25 tỉ USD, đến năm 2022 đạt 3,34 tỉ USD; năm 2023 ngành hàng rau quả thành công khi xuất khẩu tới 5,6 tỉ USD; năm 2024 rau quả đạt kỷ lục 7,12 tỉ USD, trong đó mặt hàng sầu riêng mang về 3,4 tỉ USD. Dù vậy, nhiều ý kiến lo ngại khi xuất khẩu rau quả bộc lộ 2 điểm yếu là phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc và mặt hàng chủ lực sầu riêng. Cụ thể, chỉ trong 3 tháng đầu năm 2025, khi Trung Quốc tăng cường kiểm tra cadimi và chất vàng O khiến sầu riêng gặp khó, ngay lập tức kim ngạch xuất khẩu rau quả đã giảm liên tục… |
H.TÂN – H.THU
Nguồn: https://baohaugiang.com.vn/cong-thuong/xuat-khau-rau-qua-gap-kho-nha-vuon-doi-mat-nhieu-rui-ro-141287.html |