Xe khan hàng tăng giá, người tiêu dùng than ‘bị móc túi’

Xe khan hàng tăng giá, người tiêu dùng than ‘bị móc túi’

(VTC News) – Các đại lý bán ô tô, xe máy tìm đủ mọi cách để đẩy giá khiến nhiều mẫu xe đắt chưa từng có, người tiêu dùng rất khó mua.

Thời gian gần đây, nhiều người khi mua ô tô, xe máy luôn phải chịu thêm từ vài triệu đến cả trăm triệu đồng tiền “lạc” mới được nhận xe. Nguyên nhân luôn được các đại lý viện dẫn là do nguồn hàng khan hiếm.

Trên thị trường xe máy, hàng loạt mẫu xe tăng giá khiến khách hàng khó mua, trong đó điển hình nhất là Honda Vision đang được nhiều nơi rao bán chênh từ 14 triệu đến gần 20 triệu đồng so với giá của nhà sản xuất. Việc này đã đẩy Vision từ bình dân trở thành một trong những mẫu xe đắt đỏ và khó tiếp cận nhất.

Xe khan hàng tăng giá, người tiêu dùng than 'bị móc túi' - 1

Nhiều mẫu xe máy tăng giá hàng chục triệu đồng do khan hàng. (Ảnh minh họa)

Hiện xe Honda Vision bản tiêu chuẩn có giá 44 triệu (giá niêm yết 29,99 triệu đồng, chênh 14,01 triệu), bản cao cấp giá 47 triệu đồng (giá niêm yết 30,7 triệu đồng, chênh 16,3 triệu), bản đặc biệt có giá 48 triệu (giá niêm yết 31,99 triệu, chênh 16,01 triệu đồng). Phiên bản cao cấp nhất của mẫu xe này hiện có giá bán lên tới 53 triệu đồng, chênh lệch 18,51 triệu đồng so với giá niêm yết của nhà sản xuất.

Ngoài ra, một số mẫu xe khác như Lead, Sh Mode, Sh 150i và Sh 350i cũng bị nâng giá tương tự.

Liên hệ qua hotline đại lý Honda Head Vitan (Nguyễn Khánh Toàn, Cầu Giấy, Hà Nội), PV được biết, hiện giá xe Honda Vision vẫn ở mức cao, bản cao cấp nhất là bản cá tính hiện gần 60 triệu đồng.

“Xe hiện vẫn khan hàng, không có nhiều để bán. Khách mua cũng không có lựa chọn nhiều về màu sắc. Tương lai giá chắc  sẽ giảm nhưng ngay bây giờ thì chưa“, đại diện đại lý Honda Head Vitan nói.

Không chỉ xe máy, tình trạng nâng giá hay bắt khách mua xe kiểu “bia kèm lạc” cũng đang diễn ra ở thị trường ô tô khiến người tiêu dùng bức xúc.

Theo đó, những mẫu xe được nhiều khách hàng tìm mua như Toyota Raize, Veloz; Huyndai Tucson, Santa fe; For Ranger; SUV Everest…đang được các đại lý tăng giá bán từ vài triệu cho đến hàng chục triệu đồng.

Anh Hoàng Chiến Vũ (Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, đầu tháng 5 vừa qua, anh tới một số đại lý bán ô tô Huyndai để đặt cọc mua xe Huyndai Tucson. Tuy nhiên, một số đại lý từ chối nhận cọc, còn những đại lý có xe thì lại đưa ra điều kiện yêu cầu khách hàng chịu tiền “lạc” hoặc mua những gói phụ kiện kèm theo có giá trị từ vài chục đến hàng trăm triệu đồng.

Nhận thấy việc chi phí mua xe tăng cao quá mức dự tính, anh Vũ đã quyết định chờ đợi xe giảm giá để mua.

“Tôi đã đi rất nhiều đại lý trên địa bàn Hà Nội, việc mua được chiếc xe ưng ý quả thật không dễ dàng. Trước thông tin phải mất thêm cả trăm triệu đồng để có thể mua được xe, tôi quyết định chờ đợi xe giảm rồi mua sau”, anh Vũ nói.

Xe khan hàng tăng giá, người tiêu dùng than 'bị móc túi' - 2

Việc ô tô tăng giá, bắt khách hàng mua xe kiểu “bia kèm lạc” khiến nhiều người tiêu dùng bức xúc. (Ảnh minh họa)

Theo một số nhân viên bán hàng, việc xe tăng giá hay “kèm lạc” là do tình trạng cung không đủ cầu, vì thế khách muốn có xe sớm thì buộc phải chấp nhận mất thêm tiền hoặc chờ đợi không biết đến bao giờ.

“Do ảnh hưởng của COVID-19, xung đột Ukraine-Nga, rồi cộng với việc Trung Quốc đang áp dụng lệnh phong tỏa tại một số thành phố lớn như Thâm Quyến, Thượng Hải…nên nhiều hãng xe không đủ linh kiện, chip để lắp ráp, nhà máy phải tạm ngừng sản xuất. Từ đó dẫn đến thiếu hụt xe, cung không đủ cầu”, một nhân viên bán xe tại Hà Nội chia sẻ.

Tuy nhiên, nhiều luồng ý kiến cho rằng không thể dựa vào nguyên nhân này để đẩy giá xe. “Đó là sự thiếu chuyên nghiệp trong kinh doanh cũng như thiếu tôn trọng khách hàng”, anh Đỗ Đình Biên (Nam Trực, Nam Định) nêu quan điểm.

Anh Biên cho rằng, cần sự vào cuộc mạnh mẽ của cơ quan chức năng, các đơn vị quản lý thị trường để bảo vệ quyền lợi chính đáng của khách hàng.

“Quyền lợi của người tiêu dùng không được bảo vệ, việc lợi dụng tình trạng khan hàng để nâng giá, đổ lên đầu người mua cần phải được ngăn chặn, trong khi không biết việc khan hàng này có thật sự nghiêm trọng như chúng ta đang thấy hay không?”, anh Nguyễn Minh Đức (Hà Nội) nói.

Thành Lâm