Sự thật đồ cổ 20.000 năm trị giá 34.000 tỷ đồng

Sự thật đồ cổ 20.000 năm trị giá 34.000 tỷ đồng

(Gia đình) – Chiếc hồ lô mà một người dân Phú Yên nhặt được trong rừng 13 năm trước chỉ là đồ giả cổ, chế tác bằng khuôn đúc hàng loạt…

Sau Tết Nguyên đán 2020, nhiều người dân ở Phú Yên truyền tai nhau về món đồ cổ bằng đồng thau hình hồ lô bát tiên có niên đại 20.000 năm, trị giá khoảng 34.000 tỷ đồng được ông Lê Văn Bách ở KP. Mỹ Lệ Đông, Thị trấn Phú Hòa sở hữu.

Theo chia sẻ của ông Bách, món đồ này ông nhặt được 13 năm trước khi đang đi làm gỗ ở khu vực giáp ranh giữa Tây Nguyên và Campuchia. Ngoài chiếc hồ lô, ông Bách còn nhặt được thêm 2 con cóc đang ngậm đồng tiền.

Cho rằng đây là vật quý hiếm nên ông Bách đem về nhà trưng bày. Đến đầu năm 2020, có hai vị khách đi ô tô đến nhà xem món đồ rồi ra về, không đề cập đến số tiền mua hay giá trị, niên đại của chúng.

Bình hồ lô và 2 con cóc mà ông Bách đang sở hữu được đồn đoán có niên đại 20.000 năm, giá trị tới 34.000 tỷ đồng.

Sau khi xem qua hình ảnh mà món đồ đang sở hữu, nhiều nghệ nhân chế tác đồ đồng đều nhận định với Đất Việt đây có thể chỉ là đồ giả cổ, được đúc từ khuôn với số lượng nhiều để bán cho người có nhu cầu trưng bày.

“Theo thông tin mà tôi nắm được thì dưới chiếc hồ lô khắc dòng chữ “Tuyên Đức Niên Chế” – niên hiệu của hoàng đế thứ 5 Minh Tuyên Tông thuộc vương triều nhà Minh trong lịch sử Trung Quốc, dưới mỗi con cóc ngậm tiền có khắc chữ “Đại Minh Tuyên Đức” thì cho thấy nếu đúng đời thì món đồ này có từ thời nhà Minh.

Tuy nhiên, thời kỳ đó việc đúc đồng đạt trình độ tuyệt kỹ, hưng thịnh, với hai dòng tiêu biểu là lò hương ba chân, quai duyên, không nắp, dùng cắm nhang phục vụ thờ tự và loại có nắp là đỉnh trầm, dùng xông trầm.

Nghệ nhân chế tác phải làm thủ công bằng tay. Nếu vậy thì các đường nét phải rất tinh xảo, mềm mại và có chiều sâu. Nhưng xem qua hình ảnh món đồ nhà ông Bách thì không thể hiện rõ điều này. Nó giống như được đúng bằng khuôn nên các đường nét cứ đều đều nhau.

Khi nhìn hình hồ lô và 2 con cóc thấy những vết xanh lỗ chỗ, xì ra trên bề mặt màu đồng sáng, đủ khẳng định cái lư là đồ giả cổ. Bởi vết “ten” xanh, điểm lũng ấy do bị hàn the xì ra. Vì trong quá trình đúc đồng, thợ đúc ngày nay thường trộn bột hàn the, tác dụng hạ nhiệt độ nóng chảy của đồng, và khi rót khuôn, mặt đúc trơn láng hơn, đỡ mất công làm nguội” – ông Nguyễn Đình Quang, một nghệ nhân đúc đồng tại là nghề Đại Bái (huyện Gia Bình, Bắc Ninh) nhận định.

Theo ông Quang, trước đó vào năm 2017, một người dân ở Lâm Đồng khi đào ao cũng đã phát hiện chiếc lư hương phía dưới có dòng chữ “Tuyên Đức Niên Chế”. Đến năm 2018, một hộ dân ở Điện Biên cũng phát hiện được một đồ vật tương tự. Nhưng tất cả đó chỉ là đồ giả cổ.

Để xác định được món đồ của ông Bách có phải đồ cổ hay không, ông Quang cho biết có rất nhiều cách thử, đơn giản nhất là dùng kính hiển vi để soi mối hàn.

Một chiếc bình hồ lô bát tiên giả cổ được phát hiện tại Lâm Đồng vào năm 2017 khi chủ nhà đào ao.

“Thời cổ đại người ta sử dụng các mối hàn cứng bằng đồng còn các mối hàn mềm bằng chì hay thiếc. Các mối hàn bằng vàng chứa cadmi mới chỉ được sử dụng từ những năm 1850 trở lại đây do Cadmi là nguyên tố khó phân lập vì dễ bay hơi. Như vậy có thể kết luận rằng, các mối hàn chứa vàng và cadmi không thể có niên đại trước những năm 1850” – ông Quang nói.

Đồ đồng giả thời nhà Minh hiện nay thường được làm theo cách xử lý đồ vật với phèn nóng ở trong một lớp đất sét, sau đó lại xử lý tiếp với dung dịch muối amoni và borat (dùng bàn chải quét hay để trong một lớp đất sét) và cuối cùng là nung ở nhiệt độ thấp trong lò nhiều ngày.

Có một cách làm khác là ngâm đồ vật trong phân hay để trên mái nhà ngoài trời lâu ngày. Các lớp mỏng nhân tạo này thường có đúng màu như ở đồ cổ thật nhưng nó lại không đặc chắc bằng.

Liên quan đến món đồ được đồn có niên đại 20.000 năm và giá trị tới gần 34.000 tỷ đồng tại nhà ông Bách, ông Nguyễn Hữu An – giám đốc Bảo tàng tỉnh Phú Yên cũng nhận định, món đồ này giống đồ giả cổ mà người ta thường sản xuất để bán làm hàng lưu niệm.

Ông Nguyễn Tấn Chân – Chủ tịch UBND huyện Tây Hòa cũng khẳng định, không có việc ông Bách đang sở hữu những món đồ cổ có niên đại hàng chục ngàn năm, giá trị kinh tế rất cao như dư luận xôn xao trước đó.

Ngọc Khánh

Theo Baodatviet.vn

Trả lời