Những cổ vật Việt được đấu giá cao ở nước ngoài

Những cổ vật Việt được đấu giá cao ở nước ngoài

Mũ quan triều Nguyễn 600.000 euro, đồng hồ Rolex hơn 5 triệu USD của vua Bảo Đại… từng lập kỷ lục khi đấu giá ở nước ngoài.

Hôm 28/10, một mũ quan triều Nguyễn khiến giới cổ ngoạn trong nước xôn xao khi đạt mức giá 600.000 euro (15,7 tỷ đồng) trong phiên đấu của nhà Balclis, Tây Ban Nha. Mũ được đấu giá kèm hộp gỗ sơn son thếp vàng chạm trổ hoa văn, tình trạng khá mới, chỉ hư hỏng nhẹ. Từ giá khởi điểm 500 euro, sau hơn 10 lần trả, một nhà sưu tập online ẩn danh mua được vật phẩm với giá 600.000 euro, bỏ xa các đồ cổ khác trong phiên đấu.

Ông Trần Đình Sơn – chuyên gia cổ vật – nói giật mình trước giá cao kỷ lục của chiếc mũ vì ở trong nước, món đồ tương tự món tương tự chỉ có thể bán với giá khoảng 10.000 USD (232 triệu đồng). Ông Sơn nói: “Tôi hy vọng chiếc mũ quan do một Việt kiều đấu thắng và sẽ mang về nước tặng cho bảo tàng ở Thừa Thiên – Huế”. Ông Vũ Kim Lộc – nghệ nhân phục chế mũ thời chúa Nguyễn – cho rằng hiện vật mũ các quan triều Nguyễn trong nước giờ chỉ còn khoảng 5-7 chiếc, riêng mũ dành cho quan hàng nhất phẩm trở lên rất hiếm, vì vậy giá trị cao là có thể hiểu được. Ảnh: Balclis

Cũng trong cùng phiên đấu giá, một bộ lễ phục triều Nguyễn được rao khởi điểm ở mức 800 euro, sau đó được bán với giá 35.000 euro (khoảng 920 triệu đồng), vượt xa dự đoán của các chuyên gia đồ cổ. Theo ông Trần Đình Sơn, các cổ vật Việt Nam được chú ý trên sàn đấu quốc tế trong khoảng 5 năm trở lại đây, do những người Việt giàu có ở nước ngoài góp phần quảng bá. Ảnh: Balclis

Tháng 5/2017, chiếc đồng hồ Rolex Reference 6062 – từng thuộc về vua Bảo Đại (1913-1997) – được bán với giá hơn 5,06 triệu USD (khoảng 115.1 tỷ đồng) tại phiên đấu ở Thụy Sĩ, xác lập kỷ lục là chiếc Rolex đắt nhất thế giới thời điểm đó. Món đồ từng được giới thiệu là chiếc đồng hồ “có giá trị và được yêu thích nhất”, một trong những mẫu dạng vỏ hàu “mang tính biểu tượng và phức tạp nhất” từng được nhà sản xuất đồng hồ của Thụy Sĩ chế tạo.

Theo Forbes, đây là dòng Rolex “Triple Calendar” với phần lịch Mặt trăng (Âm lịch) bằng vàng và là một trong ba mẫu có mặt số màu đen với kim cương trang trí, là mẫu duy nhất được đính kim cương vào những giờ chẵn. Vua Bảo Đại mua đồng hồ này tại Geneva (Thụy Sĩ) năm 1954, khi tham gia một hội nghị bàn về vấn đề hòa bình ở Đông Dương. Ảnh: Pinterest

Tháng 4/2015, chiếc xe kéo của Hoàng thái hậu Từ Minh (1855-1906) có giá khoảng 45.000 euro, kể cả thuế (1,5 tỷ đồng thời giá lúc bấy giờ), được Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế đấu giá thành công tại Pháp để đưa về nước, trưng bày ở Hoàng cung Huế. Xe do con trai bà – vua Thành Thái (1879-1954) – mua tặng mẹ để dạo chơi trong cung, được bà sử dụng một thời gian. Sau khi vua Thành Thái bị truất ngôi, xe được bán cho một người Pháp giữ chức chỉ huy đội hộ vệ hoàng cung . Sau hơn 100 năm thất lạc, chiếc xe được mang ra đấu giá tại Pháp.

Ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế lúc đó cho biết xe kéo này ngoài giá trị về mỹ thuật thuộc hàng đẹp nhất Việt Nam, được khảm xà cừ tinh xảo do nhóm nghệ nhân làng nghề nổi tiếng miền Bắc thực hiện, còn có tính lịch sử cao khi phản ánh một giai đoạn của triều đại phong kiến cuối cùng ở Việt Nam. Ảnh: Đắc Đức

Cũng trong phiên đấu giá trên, long sàng của vua Thành Thái được đấu giá với mức ba tỷ đồng, thuộc về một Việt kiều là cháu ngoại vua Thành Thái. Long sàng làm bằng gỗ, các hoa văn ở vị trí thành, chân và khung giường được chạm trổ theo mô-típ cung đình Huế. Phần đầu gường ở trên chạm trổ, thếp vàng hoa lá hóa dơi theo mô-tip ngũ phúc; phần đầu hộc giường phía sau chạm trổ, sơn son thếp vàng hoa văn tam sơn, cổ đồ và rồng ngang bốn móng; phần đầu hộc giường phía trước chạm trổ con triện và mô-tip chữ “Thọ” hình đỉnh cách điệu. Phần thân và chân giường chạm trổ hoa lá, rồng mây. Ảnh: Rouillac

Tháng 12/2010, sách phong bằng bạc mạ vàng đời vua Thiệu Trị (1807 -1847) được đấu giá thành công trong phiên của hãng Sotheby’s ở Paris, Pháp với mức 72.750 euro, chưa kể tiền thuế và phí. Cổ vật lúc đó thuộc về ông Cao Xuân Trường, một nhà sưu tầm ở Hà Nội. Khi biết cuốn sách được bán, ông Trường liền bán một căn nhà ở Canada để sang Paris đấu giá với hy vọng mang được cổ vật về Việt Nam.

Theo website của Bảo tàng lịch sử Việt Nam, đây là sách phong do vua Thiệu Trị tấn phong cho vợ – bà Vũ Thị Viên, từ hạng Lương tần lên Lương phi vào năm Thiệu Trị thứ 6 (1846). Sách gồm năm tờ 10 trang, khắc 186 chữ Hán kể về thân thế và công trạng của bà Vũ Thị Viên và lý do sách phong. Cổ vật là sách phong duy nhất làm bằng bạc mạ vàng còn tồn tại, vì hiện nay chỉ còn một số đồng sách (sách phong bằng đồng) và thể sách (bằng lụa), chủ yếu là sách phong từ đời Tự Đức (1848 – 1883) trở về sau. Ảnh: Philippe Truong

Tam Kỳ

Nguồn: https://vnexpress.net/nhung-co-vat-viet-duoc-dau-gia-cao-o-nuoc-ngoai-4379546.html