Hàng hóa chỉ tăng mà không giảm: Nguy hiểm thế nào?

Hàng hóa chỉ tăng mà không giảm: Nguy hiểm thế nào?

(VTC News) – Theo chuyên gia, nếu giá hàng hóa leo thang, thiết lập mặt bằng mới và không chịu giảm trở lại sẽ để lại nhiều hệ lụy vô cùng nguy hiểm.

Viện dẫn việc giá hàng hóa không chịu giảm sau nhiều ngày giá xăng dầu đi xuống, các chuyên gia nhận xét, đó là thực trạng chưa được kiểm soát và giải quyết triệt để. Điều này nếu kéo dài sẽ gây nguy hại đến thị trường và xa hơn là cả nền kinh tế.

TS Lê Đăng Doanh cho rằng: “Giá hàng hóa cao sẽ tạo áp lực về lạm phát. Bên cạnh đó là ảnh hưởng đến sức mua. Sau 2 năm chịu tác động của đại dịch COVID-19, phần lớn người dân có tâm lý cắt giảm chi tiêu, sức mua vốn đã giảm sút, nay hàng hóa cứ tăng mà không chịu giảm thì sức mua của người tiêu dùng càng trở nên yếu ớt hơn, khiến hàng hóa khó lưu thông”.

Đồng tình với quan điểm này, ông Vũ Vinh Phú – nguyên Phó Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội – phân tích: “Nếu giá hàng hóa cứ cao như hiện nay và không được điều chỉnh, chúng ta khó kiểm soát lạm phát ở mức 4% như dự định. Hơn nữa, giá nguyên vật liệu, thực phẩm cao còn có thể ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của hàng Việt ngay tại thị trường nội địa chứ chưa nói đến xuất khẩu”.

Hàng hóa chỉ tăng mà không giảm: Nguy hiểm thế nào? - 1

Nhiều loại hàng hóa không chịu giảm theo giá xăng, dầu. (Ảnh: Công Hiếu)

Cũng theo ông Phú, giá cứ tăng mà không giảm sẽ không phản ánh đúng giá trị thật của hàng hóa, có thể tạo nên những cơn sốt giá ảo, khiến người tiêu dùng phải tiết giảm chi tiêu, làm cho thị trường trì trệ. Đây chính là làm méo mó thị trường, ảnh hưởng đến lợi ích của người tiêu dùng.

“Nếu chiến sự giữa Nga và Ukraine tiếp tục căng thẳng, Trung Quốc vẫn thực hiện chính sách Zero COVID thì nhiều mặt hàng còn khan hiếm, giá hàng hóa sẽ còn diễn biến bất thường. Nếu không có chính sách kiểm soát giá hàng hóa kịp thời thì sẽ dễ nảy sinh nhiều tiêu cực, lúc đó rất khó xử lý. Đừng để hàng hóa chỉ tăng mà không xuống, đừng để nền kinh tế “bị bệnh” rồi mới tiêm kháng sinh thì rất khó chữa”, ông Phú ví von.

Còn theo chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh, giảng viên Học viện Tài chính, giá hàng hóa đồng loạt đắt lên thời gian qua là dễ hiểu vì các nguyên liệu, dịch vụ đầu vào phục vụ sản xuất, kinh doanh như xăng dầu, nhân công, logistic… đều tăng giá. 

Tuy nhiên, việc giá tăng cao mà không giảm theo quy luật là rất nguy hiểm, bởi khi hàng hóa tăng cao, ngay lập tức nó lại làm cho chi phí đầu vào, chi phí sản xuất của các ngành khác cũng tăng theo.

“Chi phí đầu vào, chi phí sản xuất của các ngành tăng cao sẽ tạo ra một cơn chấn động về giá, tạo nguy cơ lạm phát rất lớn. Bên cạnh đó, lợi dụng thời điểm giá cao này, kẻ xấu có thể sản xuất hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng để trục lợi. Do vậy, để thị trường hàng hóa cạnh tranh đúng nghĩa thì chúng ta phải kiểm soát được giá”, ông Thịnh nói.

Nguy cơ khủng hoảng thừa

Các chuyên gia còn lo ngại giá hàng hóa trong nước đắt đỏ có thể khiến tiểu thương, doanh nghiệp tìm cơ hội nhập khẩu hàng từ nước ngoài về, khi đó hàng hóa sản xuất trong nước sẽ bị hạn chế sức mua và nguy cơ khủng hoảng thừa rất dễ xảy ra.

TS Lê Đăng Doanh cho rằng, nếu giá hàng hóa cao, sức mua của người tiêu dùng sẽ thấp, thậm chí người tiêu dùng có thể hạn chế mua một số mặt hàng không thực sự thiết yếu. Về lâu dài, điều này khiến hàng hóa bị đình trệ, gây ảnh hưởng đến sản xuất.

Khi đó không chỉ người tiêu dùng bị ảnh hưởng mà nguy hiểm hơn, các doanh nghiệp cũng chịu tác động, khiến nền kinh tế sẽ bị đình trệ ở một số khâu do hàng hóa không lưu thông”, ông Doanh nói.

Ông Đinh Trọng Thịnh cũng khuyến cáo doanh nghiệp sản xuất, người bán hàng hãy cẩn trọng nếu “cố thủ” kìm giá đi xuống. Khi giá cao, có điều kiện mà không chịu giảm thì người tiêu dùng dễ tìm đến các đầu mối sản xuất, doanh nghiệp, điểm bán khác giá hợp lý hơn, thậm chí không tìm được hàng hóa trong nước thì người ta sẽ tìm hướng nhập khẩu từ nước ngoài, khi đó lợi ích của người bán cũng không còn.

“Doanh nghiệp nào sản xuất đến đâu bán được hàng hóa đến đấy thì họ mới yên tâm mở rộng sản xuất, tăng trưởng và phát triển, còn nếu sản xuất mà không bán được thì doanh nghiệp khó lòng phát triển”, TS Đinh Trọng Thịnh nói.

Thủ tướng chỉ đạo giảm giá các hàng hóa, dịch vụ liên quan giá xăng, dầu

Sáng 28/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì cuộc họp với lãnh đạo một số bộ, ngành bàn về những giải pháp, đối sách phù hợp cả trước mắt và lâu dài để tiếp tục kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và thúc đẩy phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội.

Trong buổi họp, Thủ tướng nhấn mạnh:  Vừa qua giá xăng, dầu đã giảm, Thủ tướng yêu cầu các bộ, cơ quan chức năng rà soát, có chính sách, giải pháp phù hợp để giảm giá các hàng hóa, dịch vụ liên quan, góp phần giảm sức ép lạm phát.

PHẠM DUY

Nguồn: https://vtc.vn/hang-ho-a-chi-tang-ma-khong-giam-nguy-hie-m-the-na-o-ar690469.html