Đời phu đào vàng

Đời phu đào vàng

Quảng Nam – Dưới tán rừng nguyên sinh ở xã Phước Đức (huyện Phước Sơn), hai phu vàng chui vào căn hầm cao gần 2 m, dài khoảng 100 m, bắt đầu một ngày làm việc.

Tuấn (24 tuổi) cùng một người khác đang khai thác vàng “tọ mọ” – cách gọi trong giới đối với những ai khai thác vàng trái phép diện nhỏ lẻ. Họ chung vốn đầu tư thiết bị và thuê vài “quân” vào rừng dựng lán tìm vận may.

Hầm khai thác vàng trái phép. Ảnh: Đắc Thành.

Hầm khai thác có nhiều đoạn dựa vào đá tự nhiên, không dùng cọc chống đỡ. Bên trong hầm tối đen, không khí ngột ngạt nhưng các phu vàng chỉ với chiếc đèn pin nhỏ đội trên đầu vẫn xác định được những nơi cần đào bới.

Một số phu vàng nhiều năm kinh nghiệm cho hay, vàng thường nằm lẫn trong các vách đất đá. Họ kiên trì từng nhát cuốc, từng cái xà beng đục đất đá rồi xúc lên xe đẩy ra cửa hầm. “Có vách lấy được mấy khối đất đá nhưng có vách chỉ được vài xô. Hầm đào vàng ngoằn ngoèo, khi đi lên, khi đi xuống trong lòng đất chứ không nằm thẳng”, Tuấn nói.

Sau 2 giờ trong hầm, hai phu vàng chui ra ngoài hít thở, uống nước. Họ nghỉ tay một lúc rồi chạy máy nổ, dùng máy nghiền nát đất đá cho vào máng lọc lấy vàng.

Tuấn có dáng người thấp nhỏ, làn da đem sạm. Quê ở huyện Kỳ Sơn, Nghệ An, Tuấn theo một số thanh niên trong làng vào xã Phước Thành (huyện Phước Sơn) làm thuê từ nhỏ. Hàng ngày cậu bé lên rừng lấy củi mang về cho nhà bếp của một công ty khai thác vàng đun nấu.

Sau vài năm, Tuấn được cơm bãi vàng nuôi lớn và bắt đầu tham gia làm phu vàng với tiền lương gần 4 triệu đồng mỗi tháng. Anh quen một cô gái ở địa phương và nên duyên vợ chồng rồi quyết định ở lại lập nghiệp ở miền Tây Quảng Nam.

Năm 2017, công ty nơi Tuấn làm việc hết hạn giấy phép hoạt động nên anh nghỉ việc, chuyển qua làm thuê cho một số chủ bãi vàng khác nhưng các ông chủ mới này đều thua lỗ. Tuấn trắng tay vì không lấy được tiền công.

Phu vàng làm việc trong căn hầm tối đen chỉ với ánh sáng đèn pin le lói. Ảnh: Đắc Thành.

Đến năm 2019, Tuấn vay mượn mua máy nổ, máy xay đá vào rừng dựng lán trại khai thác vàng. Hơn một năm qua, mỗi lần lực lượng chức năng tổ chức truy quét, Tuấn lại bỏ trốn vào rừng ít hôm, chờ nhà chức trách rút đi. Thiết bị khai thác vàng bị tiêu huỷ, anh ta đầu tư mua máy móc mới để tiếp tục đào vàng.

Tuấn chia sẻ biết việc bản thân làm là trái phép, song “ở quê bây giờ làm ra đồng tiền khó quá, nên phải bám trụ nơi đây cố kiếm ít vốn rồi chuyển qua công việc khác”.

Cách bãi vàng của Tuấn một ngọn đồi, ông Hà thuê hai nhân công với mức lương 6 triệu đồng mỗi người một tháng. Họ dựng lán trại tạm bợ để ngủ lấy sức vào ban đêm, còn ban ngày liên tục chui vào hầm đào đất đá và đãi quặng.

Hơn 25 năm trước, ông Hà rời quê ở Thừa Thiên Huế vào huyện Phước Sơn làm phu vàng rồi lấy vợ, sinh con ở vùng đất này. Sau nhiều năm, ông thạo nghề và quen địa hình nên chuyển qua làm chủ, đầu tư máy móc, thuê nhân công vào rừng khoét núi đào vàng.

Cũng như các “vàng tặc” khác, mỗi lần nhà chức trách đến truy quét, ông Hà và những người làm thuê lại chạy vào rừng lẩn trốn. Lán trại, thiết bị đào vàng trái phép của của họ thường bị lực lượng chức năng đốt cháy, phá hủy để không cho tái sử dụng.

Phu vàng làm việc dưới giếng sâu hơn 30 m. Ảnh: Đắc Thành.

Mấy chục năm ăn núi ngủ rừng, ông Hà giữ thói quen thắp nén hương lên bàn thờ đặt ngoài cửa hầm, rồi lầm rầm khấn vái trước khi chui vào trong. Lý giải việc này, ông Hà cho hay cầu mong sơn thần, thổ địa phù hộ và lý do khác là ở vùng đất này từng có nhiều người mất mạng khi đào vàng.

Nhiều người dân địa phương còn nhớ vụ sạt lở núi khiến 6 phu vàng bị vùi lấp vào tháng 11/2017. Đầu năm đó, ba người ở Thái Nguyên rời quê vào huyện Phước Sơn tìm kiếm vận may. Họ đến bãi khe 39, xã Phước Hòa khai thác vàng thuê cho một ông chủ đồng hương; hàng ngày vào hầm đào đất đá, xay lọc vàng với tiền công 5 triệu đồng một tháng.

Bảy tháng sau, ông chủ nghỉ làm nên ba người đến từ Thái Nguyên lấy tiền công đến bãi khe 38, xã Phước Hoà mua sắm máy móc khai thác vàng trái phép.

Đến tháng 10/2017, từ ba người, nhóm đào vàng này tập hợp quân số lên 16 người đến từ Nghệ An và Lai Châu. Họ chia thời gian khai thác vàng trong ngày làm 2 ca. Ca ngày từ 6h sáng đến 17h, ca chiều từ 18h đến 5h sáng hôm sau.

Tháng 11/2017, Quảng Nam hứng chịu bão số 12 gây mưa lũ nhiều ngày. Khoảng 11h ngày 5/11/2017, nhóm phu vàng xuống khe suối khiêng thiết bị lên để tránh bị nước lũ cuốn trôi thì bất ngờ xảy ra sạt lở núi, sáu người tử nạn do bị đất đá vùi lấp.

Vụ tai nạn khác xảy ra vào tháng 7/2019 ở khu vực bãi 3, xã Phước Kim khiến một phu vàng tử vong cũng do đất đá sạt lở; hai người khác bị phạt mỗi người một năm tù về tội vi phạm quy định khai thác tài nguyên.

Nhắc lại những sự việc trên, ông Hà thở dài nói: “Nghề này nguy hiểm, nặng nhọc, nhưng việc đào vàng đã ăn sâu hơn nửa cuộc đời nên chưa thể rời bỏ. Hy vọng trúng được một lần thật nhiều sẽ sớm giã từ về hưởng tuổi già”.

*Tên nhân vật đã thay đổi.

Đắc Thành/Theo Vnexpress.net

Trả lời