Doanh nghiệp ảo, nhập lậu thật

Doanh nghiệp ảo, nhập lậu thật

Quy định thông thoáng trong thành lập doanh nghiệp (DN) thực tế đang phát sinh nhiều hậu quả: DN “ma” ra đời mua bán hóa đơn trục lợi tiền thuế nhà nước; DN ảo nhưng buôn lậu thật… Dù có hậu kiểm nhưng khi phát hiện thì hậu quả đã xảy ra, không xử lý được. Công tác phối hợp xử lý giữa cơ quan cấp phép (Sở KH-ĐT) với cơ quan thuế, hải quan và công an chưa chặt nên tội phạm lọt sổ và ngày càng lộng hành.

Doanh nghiệp ảo lộng hành

Tình trạng công ty ma ra đời, mua bán hóa đơn lẫn nhau nhằm trục lợi thuế đang ở mức báo động. Điển hình là vụ lập 15 công ty để bán hóa đơn khống, với giá trị ghi trên hóa đơn khoảng 5.000 tỷ đồng do Nguyễn Văn Sức (39 tuổi) cầm đầu vừa bị Công an TP Hải Phòng triệt phá.

Công an TP Hà Nội cũng vừa phá đường dây lập 33 công ty ma rồi mua giấy tờ của người khác ở các tiệm cầm đồ, nhằm mua bán hóa đơn trái phép do Quản Trọng Công (sinh năm 1991, quê Hải Phòng) cầm đầu.

Thủ đoạn phạm tội của Công rất tinh vi, bản chất là mua bán hóa đơn nhưng Công thỏa thuận với các “đối tác”, yêu cầu họ chuyển tiền qua tài khoản của công ty mình, sau đó Công rút ra trả lại cho họ để chứng minh có hoạt động mua bán thật (đúng quy định 20 triệu đồng phải thanh toán qua ngân hàng).

Thông tin doanh nghiệp ảo Công ty TNHH Thương mại và sản xuất Stewardesses vẫn còn tồn tại trên mạng. Ảnh: CAO THĂNG

Còn tại TPHCM, cơ quan thuế cũng đang thanh tra đường dây lập công ty ma ở nhiều tỉnh, thành để mua bán hóa đơn lòng vòng lẫn nhau, làm thủ tục xuất khẩu hàng hóa khống, nhận tiền hoàn thuế từ ngân sách nhà nước lên đến hàng ngàn tỷ đồng. 

Mới đây, cơ quan hải quan vừa bắt và khởi tố trường hợp nhập khẩu container gối cao su tổng hợp, chăn bọc đệm từ Trung Quốc nhưng trên sản phẩm thể hiện xuất xứ Việt Nam. Đơn vị nhập là Công ty TNHH Thương mại và Sản xuất Stewardesses (MST 0315808658), mới được thành lập, đăng ký lần đầu vào tháng 7-2019, trụ sở ở phường 28, quận Bình Thạnh, TPHCM.

Người đại diện theo pháp luật tên Nguyễn Thanh Hải. DN này ra đời vài tháng thì tiến hành thủ tục nhập lô hàng trên. Khi bị cơ quan hải quan phát hiện lô hàng vi phạm thì DN không đến nhận hàng.

Qua xác minh tại địa chỉ đăng ký kinh doanh của công ty, Công an phường 28, quận Bình Thạnh cho biết, phường không có địa chỉ 558/66/27 Bình Quới, theo như đăng ký trong giấy kinh doanh của DN. Xác minh tại Sở KH-ĐT TPHCM, công ty vẫn tồn tại.

Cơ quan thuế cũng cho biết tình trạng DN là “vẫn đang hoạt động”. Khi kiểm tra nơi ở của chủ DN mang tên Nguyễn Thanh Hải (nhà số 280/12A, đường DT743, phường Bình Thắng, thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương) thì công an phường trả lời trên địa bàn không có địa chỉ này và nhân khẩu Nguyễn Thanh Hải, số chứng minh nhân dân 281154340 cũng không có ai tên đó, mang số chứng minh nhân dân như thế ở địa phương. Thế là vụ án bị khởi tố nhưng không có người thật nên không xử lý được.

Trống tiền kiểm, hổng hậu kiểm

Nguyên nhân ngày càng có nhiều DN “ma” ra đời để lừa đảo, buôn lậu, trục lợi về thuế… là do quy định về cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hiện nay quá dễ dãi.

Theo Luật Doanh nghiệp, người đăng ký kinh doanh không cần chứng minh địa chỉ kinh doanh; khi nộp hồ sơ, giấy tờ thì không buộc cán bộ tiếp nhận hồ sơ (Sở KH-ĐT) phải kiểm tra tính hợp pháp (giấy tờ giả) mà chỉ cần hồ sơ hợp lệ (khai đầy đủ và người khai tự chịu trách nhiệm) là được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Do vậy, người đăng ký kinh doanh cung cấp hồ sơ giả, địa chỉ không có thật nhưng vẫn được cấp chứng nhận đăng ký kinh doanh “ma”, rồi hoạt động phi pháp, khi bị phát hiện thì không có người thật để xử lý.

Chủ trương của Nhà nước là tạo thuận tiện cho DN kinh doanh nên công tác cấp phép chuyển từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm”. Thế nhưng thực tế công tác hậu kiểm hiện nay chưa được thực hiện tốt. Chỉ khi nào DN hoạt động có sai phạm, đi kiểm tra mới phát hiện ra DN “ma”. 

Các chuyên gia cho rằng, việc tạo điều kiện thuận lợi trong thành lập DN đang bị lợi dụng, biến thành lỗ hổng cho tội phạm. Bởi một DN ra đời, đầu tư nghiêm túc thì họ suy nghĩ rất thận trọng, không ngại thời gian đăng ký thành lập DN là 1 ngày hay 1 tuần, vì bao giờ DN cũng nghĩ đến chuyện hoạt động lâu dài.

Do vậy, việc rút ngắn thời gian để thuận tiện cho DN trong trường hợp này là không cần thiết. Thủ tục thông thoáng giúp DN sớm đi vào hoạt động là điều cần khuyến khích, nhưng đồng thời cần có thêm các biện pháp xử lý những trường hợp có biểu hiện bất minh. Nếu một cá nhân đứng tên hàng chục công ty thì cũng cần xem xét động cơ thành lập DN để kịp thời ngăn chặn các sai phạm. 

Pháp luật thông thoáng là tạo điều kiện để mọi người dân đăng ký kinh doanh, tuy nhiên, cũng cần có biện pháp hạn chế rủi ro, chế tài mạnh mẽ hơn để hạn chế các sai phạm.

Trước tình hình có quá nhiều DN bất minh, một số ý kiến đề xuất nên áp dụng lại quy định phải có giấy xác nhận của công an khu vực về nhân thân của pháp nhân và địa chỉ hoạt động của DN khi đăng ký thành lập DN. Việc này để tránh việc giả mạo địa chỉ, danh tính và tạo thuận lợi cho công tác kiểm tra, xử lý khi xảy ra vi phạm. Việc này không tốn thêm thời gian và chi phí cho DN, lại tránh được tình trạng bất cập như hiện nay. Xác định rõ người đại diện pháp luật của DN, để khi phát hiện sai phạm thì ít nhất cũng phải có người phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

HÀN NI

Theo sggp.org.vn

Trả lời