Đa cấp lợi dụng dịch Covid-19 để gia tăng hoạt động

Đa cấp lợi dụng dịch Covid-19 để gia tăng hoạt động

Trong giai đoạn khó khăn của dịch Covid-19, không ít cơ sở kinh doanh, doanh nghiệp tạm dừng hoạt động và rất nhiều bạn trẻ rơi vào cảnh thất nghiệp. Lợi dụng điều này, kinh doanh đa cấp tìm cách lôi kéo không ít thành viên.

Kêu gọi nhiều người tham gia và thu hút “con mồi” bằng những phúc lợi có vẻ hấp dẫn

Tiền mất, hàng ôm

Sau khi thấy bài đăng “Kiếm tiền trong mùa dịch. Thu nhập 10-15 triệu đồng/tháng. Rảnh làm, bận nghỉ. Công việc đăng bài và trả lời theo mẫu có sẵn…”, Ngô Minh T. (24 tuổi, ngụ quận Thủ Đức, TPHCM) đã chủ động liên hệ người dùng Facebook Hoàng Thị G. để ứng tuyển. 

Buổi phỏng vấn diễn ra nhanh, T. kể lại: “Tôi được giao bán các sản phẩm thảo mộc từ hoa sâm đất hỗ trợ giảm mỡ máu, giảm béo phì. Do chưa có kinh nghiệm và cũng không học đại học, nên tôi phải tham gia lớp tập huấn kỹ năng bán hàng của công ty. Học phí là 950.000 đồng và phải đóng tiền mặt. Tôi hơi lưỡng lự, nhưng sau khi biết được chiết khấu hoa hồng trên mỗi sản phẩm từ 100.000 – 200.000 đồng, tôi bấm bụng theo. Chị ta cũng hứa rằng, học phí sẽ được hoàn lại khi tôi bán được đơn hàng đầu tiên”. 

Sau 3 buổi học, T. đã chính thức trở thành một nhánh trong chuỗi đa cấp thực phẩm bảo vệ sức khỏe Z. Nhưng đến cuối tháng, T. vẫn chưa được hoàn lại học phí vì doanh số bán hàng chưa đạt và tiền hoa hồng nhận được trên một sản phẩm chỉ có 20.000 đồng. Lúc này, G. mới giải thích, chiết khấu hoa hồng chỉ dành cho những đơn hàng nhập trên 20 sản phẩm và G. cũng cam kết hỗ trợ hoàn tiền 100% nếu hàng không bán được. Tin tưởng, T.  đem xe máy đi cầm, nhập 20 hộp Thảo mộc Hoa sâm đất Plus với giá 540.000 đồng/hộp và bán cho người dùng với giá 650.000 đồng/hộp. “Sau khi nhập hàng về, dù có đăng bài thường xuyên, mời chào nhiệt tình nhưng chỉ bán được vài hộp. Tiền lời không đủ trả lãi cầm xe, tôi đành báo chị G. trả hàng. Chị ta liền vui vẻ đồng ý, nhưng khi tôi đem hàng qua, điện thoại chị ta lại không bắt máy, bấm chuông cũng không ai mở cửa. Nửa tháng sau, chị ta liên lạc, báo rằng hãng chỉ nhận trả hàng trong 30 ngày kể từ ngày xuất kho, hàng của tôi đã quá hạn. Lúc này tôi mới biết mình đã bị lừa”, T. cho biết.

Do thiếu hiểu biết, ham kiếm tiền nhanh, nhiều người trở thành nạn nhân mới của những nhóm đa cấp lừa đảo. Bích Hà (20 tuổi, sinh viên Trường Đại học Công nghiệp TPHCM) cũng là một trong số đó. Sau khi bán hết 20 hộp thực phẩm chức năng đầu tiên, Hà được đại lý tuyến trên báo rằng, cô được nhập lô hàng mới với chiết khấu 40%. Cô liền mượn thêm tiền gia đình, mạnh tay nhập luôn 50 hộp về bán. Nhưng thuốc đợt này giao lại có mẫu mã khác với lô hàng trước đã bán. Đại lý chỉ giải thích rằng do công ty nâng cấp mẫu mã. “Sau khi tôi đăng bài bán thuốc với mẫu mã mới, một người quen đã gửi cho tôi bài báo viết về sản phẩm đang bán có chất cấm. Tôi tìm hiểu thêm thì biết được công ty đã có thông báo thu hồi sản phẩm này từ tháng trước. Đại lý tắt máy điện thoại. Tôi liên hệ thẳng hãng và họ nói do tôi không làm việc trực tiếp với hãng nên họ không giải quyết”, Bích Hà cho biết. 

Tìm mọi cách dụ dỗ

Những nhân viên bị các cơ sở cho nghỉ việc vô thời hạn, hầu hết là học sinh, sinh viên hoặc lao động trẻ không có bằng cấp, nên tìm việc vào những ngày này rất khó. Không có việc làm, nhưng phải chi trả các phí sinh hoạt, ăn ở, học phí… tiền cạn dần, họ đành tìm đến các hội nhóm tìm việc trên mạng. Những thông báo tuyển dụng như giờ giấc làm việc tự do, thu nhập cao, bán hàng không cần vốn… khiến người tìm việc mừng như vớ được vàng. Không chỉ trên mạng xã hội, nhà phân phối còn “săn” người trên các trang, ứng dụng tiềm kiếm việc làm như TopCV, Timviecnhanh, MyWork… khiến những người tìm việc liên tục bị làm phiền. 

Sau khi đăng hồ sơ tìm việc lên trang Timviecnhanh, mỗi ngày Vân Anh (23 tuổi, quận Phú Nhuận, TPHCM) nhận hàng chục cuộc điện thoại mời chào. Vân Anh nói: “Sau khi đăng ký tìm việc, tôi liên tục nhận được cuộc gọi từ doanh nghiệp nghe tên lạ hoắc, chỉ nói là tuyển dụng nhân viên chăm sóc khách hàng và có thể làm việc tại nhà. Nhưng khi tôi tìm kiếm tên công ty thì không thấy, còn có một số công ty có thông tin liên quan đến lừa đảo, đa cấp. Phiền quá nên tôi đành sửa số điện thoại trên hồ sơ, chỉ để lại email thật”.

Đặc trưng của kinh doanh đa cấp là càng nhiều chi nhánh, lợi nhuận càng cao, có thể lên đến vài trăm triệu đồng nên người bán hàng đa cấp luôn tìm mọi cách lôi kéo thêm người.  Một vài đặc điểm nhận diện khác của những công ty này là thường xuyên thay đổi trang web, fanpage, thông tin mơ hồ hoặc có tên và sản phẩm na ná giống những công ty từng bị phản ánh lừa đảo. Ngoài ra, các sản phẩm cũng không có xuất xứ rõ ràng, thành phần không chi tiết, không có chống chỉ định…

Do những ảnh hưởng của dịch Covid-19, các đối tượng kinh doanh đa cấp cũng tranh thủ “săn” người, tập trung đánh vào tâm lý cần kiếm tiền nhanh trong thời gian nghỉ dịch. Các bạn trẻ khi ứng tuyển vào bất kỳ công việc nào cũng nên thận trọng, tìm hiểu kỹ thông tin doanh nghiệp, sản phẩm, nếu thấy có biểu hiện lừa đảo nên ngừng liên lạc ngay và cảnh báo đến người thân, bạn bè đề phòng.

LÊ DUY

Theo sggp.org.vn

Trả lời