Châu Âu và nỗi ám ảnh ‘cái chết đen’

Châu Âu và nỗi ám ảnh ‘cái chết đen’

Nhiều thập kỷ trôi qua, ít ai biết rằng dịch hạch từng là nỗi ám ảnh của châu Âu thời Trung Cổ.

Được biết đến với tên gọi “cái chết đen”, dịch hạc từng đã xóa sổ hơn một nửa dân số của châu Âu. Đây là một trong những đại dịch đầu tiên trong lịch sử loài người, xuất hiện những năm 541 và 542, bắt nguồn từ châu Á, lan qua Trung Quốc và Ấn Độ, sau đó giết chết hơn 5.000 người dân châu Âu, Bắc Phi và Nga.

Đến thế kỷ 14, vào tháng 10/1347, căn bệnh quay trở lại khi 12 chiếc tàu từ Biển Đen cập cảng Messina của Sicilia. Sau khi tập trung đến bến cảng, người dân khu vực này bắt gặp cảnh tượng kinh hoàng. Hầu hết thủy thủ đoàn đã chết. Những người còn sống bệnh nặng, cơ thể bao phủ bởi nhọt đen, rỉ máu và mưng mủ. Chính quyền Sicilia vội vã đưa các thuyền viên của con tàu “tử thần” ra khỏi cảng. Song, tất cả đã quá muộn.

Lễ diễu hành Bác sĩ Dịch hạch hàng năm tại Italy để tưởng niệm thời kỳ Cái Chết Đen. Ảnh: AFP

5 năm tiếp theo, dịch hạch hoành hành và giết chết hơn 20 triệu người châu Âu. 2/3 số người bệnh thiệt mạng chỉ trong vòng 4 ngày.

Giai đoạn này, dịch hạch lan rộng chưa từng thấy. Sự tàn phá của nó dẫn đến những thay đổi lớn trong xã hội. Các bác sĩ, với chiếc mặt nạ mỏ chim kỳ dị, phải đào hố chôn tập thể để giải quyết tình trạng xác người chất đống, ngổn ngang khắp hang cùng ngõ hẻm.

Sau này, căn bệnh gần như biến mất khi các nhà khoa học phát minh ra thuốc kháng sinh. Đây cũng là bước ngoặt lớn của lịch sử y khoa. Tuy nhiên trước đó, nếu không được điều trị kịp thời, tỷ lệ tử vong của dịch hạch là từ 30 đến 60%. Nếu mắc dịch hạch thể nhiễm khuẩn huyết hoặc thể phổi, người bệnh dường như chắc chắn sẽ không qua khỏi.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), dịch hạch do trực khuẩn Yersinia pestis gây ra, lưu hành trong quần thể động vật gặm nhấm như chuột, sóc, thỏ… và được truyền sang người qua vết cắn của bọ chét ký sinh. Các triệu chứng xuất hiện sau thời gian ủ bệnh từ một đến 7 ngày.

Dịch hạch ở người gồm thể hạch, thể nhiễm khuẩn huyết, thể phổi và thể màng não. Phổ biến hơn cả là thể hạch, đặc trưng bởi các hạch bạch huyết sưng đau.

Thực tế, đây là một căn bệnh hiếm gặp. Kể từ năm 2010 đến 2015, thế giới ghi nhận 3.284 trường hợp, trong đó 584 bệnh nhân tử vong, chủ yếu là ở Congo, Madagascar và Peru.

Sóc đất bị nghi ngờ là vât chủ trung gian truyền bệnh dịch hạch tại Trung Quốc. Ảnh: Yosemite National Park

Mới đây, thành phố Bayan Nur, vùng Nội Mông, Trung Quốc đã đưa ra cảnh báo cấp độ ba sau khi phát hiện hai ca nghi dịch hạch. Tháng 11 năm ngoái, nước này cũng ghi nhận 4 trường hợp mắc bệnh, làm dấy lên lo ngại cơn ác mộng “cái chết đen” quay trở lại, trong khi Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp.

Hiện chưa rõ làm thế nào căn bệnh tái xuất len lỏi giữa cộng đồng Nội Mông. Song giới chức Trung Quốc yêu cầu người dân lập tức báo cáo nếu phát hiện bất cứ con sóc đất nào đã chết hoặc nhiễm bệnh lạ. Đồng thời, thành phố ban hành lệnh cấm săn bắt và ăn thịt các loại động vật có thể mang mầm bệnh dịch hạch.

Loại dịch hạch đang lây lan ở đại lục thuộc thể hạch, biểu hiện bằng phát sốt đột ngột, ớn lạnh, đau đầu, đau cơ và buồn nôn, theo WHO. Sau đó, bệnh chuyển sang giai đoạn toàn phát với các triệu chứng đặc trưng là nhiễm khuẩn, nhiễm độc và sưng hạch. Hạch có thể to bằng ngón tay cái hoặc quả trứng gà, lúc đầu đau và cứng chắc, sau đó, hạch mềm hóa mủ. Thể hạch có thể tiến triển thành nhiễm khuẩn huyết, thể phổi hoặc viêm màng não thứ phát.

Cơ quan y tế Liên Hợp Quốc cho biết dịch hạch rất hiếm khi lây truyền từ người sang người. Song những bệnh nhân mắc dịch hạch thể phổi có thể truyền vi khuẩn cho cộng đồng qua giọt bắn hô hấp.

Thục Linh (Theo History, The Week)

Theo Vnexpress.net

Trả lời