Cảnh giác trước thủ đoạn dùng tiền giả mua hàng đổi lấy tiền thật ở vùng nông thôn

Cảnh giác trước thủ đoạn dùng tiền giả mua hàng đổi lấy tiền thật ở vùng nông thôn

(VietQ.vn) – Hiện nay ở vùng nông thôn một số tỉnh xuất hiện tình trạng dùng tiền giả mua những mặt hàng có giá trị thấp để nhận thối lại tiền thật khiến người dân bức xúc.

Theo ghi nhận, tại xã Đức Tân, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi mới đây có 2 đối tượng lạ mặt đến quầy tạp hóa của vợ chồng bà Phạm Thị Tố Loan (72 tuổi), ở thôn 3, xã Đức Tân, huyện Mộ Đức (Quảng Ngãi) mua lon bò húc và đưa tờ tiền mệnh giá 500 nghìn đồng bảo thối lại. Khi bà Loan nói không đủ tiền thối thì hai đối tượng mua thêm 2 gói thuốc để đủ số tiền thối hơn 400 nghìn đồng. Lúc các đối tượng rời đi, thấy khả nghi, vợ chồng bà Loan đưa tờ tiền cho người hàng xóm xem mới phát hiện tiền giả. Ông Hiến (chồng bà Loan) vội mang tờ tiền đến Công an xã Đức Tân báo cáo sự việc.

Qua điều tra, Công an xã Đức Tân và Công an huyện Mộ Đức nhanh chóng làm rõ nhóm đối tượng tiêu thụ tiền giả, gồm: Lưu Gia Bảo (SN 2006, ở xã Đức Hòa, huyện Mộ Đức), Bùi Thương Tín (SN 2003) và Đỗ Tấn Lưu (SN 2002) đều ở xã Đức Tân, huyện Mộ Đức. Bước đầu Bảo khai nhận, vào giữa tháng 11/2021, Bảo lên Facebook thấy có người rao bán tiền giả với tỷ lệ 1 triệu đồng tiền thật được 6 triệu đồng tiền giả (loại mệnh giá 500 ngàn đồng).

 Cảnh giác chiêu dùng tiền giả đổi lấy tiền thật. Ảnh minh họa

Với mưu đồ bất chính, Bảo đặt mua 2 triệu đồng tiền thật để lấy 12 triệu đồng tiền giả. Sau đó, Bảo liên hệ với Tín và Lưu để cùng nhau tiêu thụ số tiền giả với hình thức dùng tiền giả mệnh giá 500 nghìn đồng đến các tiệm tạp hóa trên địa bàn huyện mua thuốc lá, nước giải khát… để được thối lại tiền thừa bằng tiền thật. Các đối tượng theo dõi lúc người bán tạp hóa bận rộn, thiếu cảnh giác; hoặc những người già, thị lực kém… để thực hiện hành vi tiêu thụ tiền giả.

Đại tá Võ Văn Đãi, Trưởng Công an huyện Mộ Đức cho biết, thủ đoạn mua hàng tạp hóa để tráo tiền giả đổi tiền thật của các đối tượng thường thực hiện vào lúc rạng sáng, gần tối, những nơi vắng người qua lại, hay nơi không đủ ánh sáng để quan sát, kiểm tra tờ tiền.

Để người dân chủ động phát hiện, không thu nhầm tiền giả, thời gian qua Ngân hàng Nhà nước đã phổ biến rộng rãi đặc điểm của các đồng tiền do Ngân hàng Nhà nước phát hành trên phương tiện thông tin đại chúng. Công an các địa phương cũng đã phổ biến, hướng dẫn cách nhận biết những đặc điểm khác nhau cơ bản giữa tiền thật và tiền giả. Tuy nhiên, vẫn không ít người bị lừa nhận phải tiền giả.

Theo Đại tá Võ Văn Đãi, người dân phải có thói quen kiểm tra tiền cẩn thận khi nhận tiền từ khách hàng để chủ động phát hiện tiền giả, hoặc nghi tiền giả.

Điều 207 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định: “Người nào làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả thì bị phạt tù từ 3 năm đến 7 năm. Tùy theo trường hợp tiền giả có giá trị tương ứng sẽ bị phạt tù từ 5 năm đến tù chung thân. Ngoài ra, người chuẩn bị phạm tội này cũng bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 năm đến 3 năm…”. Chế tài đối với tội phạm liên quan đến tiền giả nghiêm khắc nhưng vẫn là một mảnh đất màu mỡ để các đối tượng thực hiện nhằm thu lợi bất chính.

Còn theo ghi nhận của Bộ Công an, tội phạm sản xuất, buôn bán tiêu thụ tiền giả tại Việt Nam, diễn ra rất phức tạp thời gian gần đây, nhất là dịp gần Tết. Trong đó tiền polyme có mệnh giá 200 nghìn đồng và 500 nghìn đồng là hai loại tiền Việt Nam đồng mà các đối tượng tội phạm hay làm giả nhất. Lúc đầu, tờ tiền giả có thể còn thô sơ, song những năm gần đây, dưới sự hỗ trợ của công nghệ in ấn, dùng mắt thường khó có thể phát hiện được đâu là tiền giả, đâu là tiền thật. Nhiều loại tiền giả đã đạt đến mức “siêu giả” khi sử dụng các công nghệ in tiên tiến. Song cũng có những cách sản xuất tiền giả đơn giản đến mức khó tin.

Đối với những tên tội phạm, để sản xuất tiền giả không hề khó khăn nếu chúng quyết tâm thực hiện hành vi phạm pháp. Chỉ cần vài cú click chuột thì câu hỏi “làm thế nào để sản xuất tiền giả” sẽ lập tức được giải đáp. Qua các trang mạng xã hội như facebook, zalo, mạng chia sẻ video youtube có thể dễ dàng tìm mua được nguyên vật liệu như giấy, mực in, máy scan màu, máy ép platic để sản xuất tiền giả.

Vì lòng tham, rất nhiều đối tượng đã tiếp tay cho việc lưu thông tiền giả ra ngoài thị trường. Thủ đoạn phổ biến của các đối tượng là dùng tiền giả mệnh giá lớn mua một loại hàng hóa giá trị nhỏ như cà phê, nước mía, thuốc lá, xăng… để được trả lại tiền thừa bằng tiền thật. 

Thời gian mà các đối tượng thường thực hiện vào lúc chập choạng tối, hoặc tờ mờ sáng, nơi không đủ ánh sáng để quan sát, kiểm tra tờ tiền. Chúng thường nhắm vào những người buôn bán nhỏ, người già, người bán hàng đang bận rộn, mất cảnh giác, các điểm bán tạp hóa, hàng rong nhỏ lẻ ven đường. Do đó, người tiêu dùng cần chủ động phòng, tránh rủi ro khi giao dịch, tránh nhận phải tiền giả. Cần nâng cao cảnh giác đối với các thủ đoạn tiêu thụ tiền giả mà bọn tội phạm thường sử dụng như trong những tình huống nêu trên.

An Dương (T/h)

Nguồn: https://vietq.vn/canh-giac-thu-doan-tieu-thu-tien-gia-o-vung-nong-thon-d195922.html